1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao ô tô Việt “dẫm chân” ở trình độ lắp ráp, giá cao?

(Dân trí) - Theo nhận định của CTS, quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư phụ trợ là chưa rõ ràng đã khiến cho việc sản xuất ô tô ở Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp và dẫn đến giá thành xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn 10 – 20% so với các nhà sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

Vì sao ô tô Việt “dẫm chân” ở trình độ lắp ráp, giá cao? - 1

Thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng.

Theo thống kê nêu tại báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) vừa được công bố, ngành ô tô luôn là ngành mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP của các nước lớn trên thế giới với 3,25% GDP của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan. Tại Việt Nam, ngành ô tô chiếm 3% GDP cả nước.

Báo cáo của CTS đánh giá, quy mô thị trường xe ô tô Việt Nam hiện quá nhỏ để khiến cho các hãng xe chi tiền đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng.

Theo Toyota Việt Nam, số lượng phụ tùng, linh kiện bán được hàng năm phải đạt khoảng 50.000 bộ thì mới khả thi để đầu tư. Có nghĩa là một mẫu xe phải sản xuất được 50.000 chiếc trong một năm, gấp đôi doanh số tiêu thụ của các mẫu xe bán chạy hiện tại.

Quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư phụ trợ là chưa rõ ràng đã khiến cho việc sản xuất ở Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp. Điều đó khiến giá thành xe sản xuất ở Việt Nam cao hơn 10 – 20% so với các nhà sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

Chính vì lý do này mà ngành ô tô luôn dành được những sự quan tâm và đối xử đặc biệt từ phía Chính phủ. Hầu hết hiệp định thương mại từ trước đến nay luôn có những ngoại lệ dành cho ngành ô tô nhằm bảo vệ ngành trước sức ép cạnh tranh từ các nước trên thế giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký tổng cộng 12 hiệp định thương mại tự do với các nước và các khối, trong đó 10 hiệp định đã có hiệu lực. Một điều khá đặc biệt ở các hiệp định đã ký kết đó là 2 ngành công nghiệp như ô tô và thép luôn được đối xử hết sức đặc biệt và thường không nằm trong danh mục các dòng thuế được miễn giảm, chỉ ngoại trừ ATIGA và có thể là EV-FTA sắp tới.

Khi thuế nhập khẩu giảm mà các doanh nghiệp nội không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực, Chính phủ đã ban hành nghị định 116 nhằm hạn chế nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật. Nhưng điều này vấp phải sự phản đối từ các đối tác, việc hạn chế không được thành công như giai đoạn mới ban hành.

Dù vậy, CTS cho rằng sẽ tiếp tục có những cách thức bảo hộ mà trước mắt có thể là việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thành phần sản xuất trong nước trên ô tô. Đây cũng là cách mà Malaysia sử dụng để bảo hộ 2 thương hiệu xe trong nước của họ.

Với việc nhập khẩu dễ dàng hơn và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm có thể được áp dụng, CTS kỳ vọng rằng giá xe ô tô trong nước sẽ giảm xuống và phù hợp hơn với thu nhập của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ xe.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng. Theo CTS, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ hợp lý đối với Việt Nam là khoảng 10,5%/năm nếu nhìn vào mối tương quan với GDP đầu người của các quốc gia trong khu vực. Khi GDP/người tăng 1% thì tiêu thụ xe/người tăng khoảng 1,5%.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng cũng có thể sẽ cao hơn và đạt khoảng 12 - 15%/năm trong vòng 10 năm tới nếu như giá xe giảm và những biện pháp kích thích như cấm xe máy trong nội đô trở thành hiện thực.

Mai Chi

Vì sao ô tô Việt “dẫm chân” ở trình độ lắp ráp, giá cao? - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm