Kỷ lục khó tin, đại gia Nhượng Tống mất ngàn tỷ lập tức rớt đài

Chỉ trong một thời gian ngắn, túi tiền của cựu diễn viên Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bốc hơi cả ngàn tỷ đồng. Vị trí của ông trùm truyền thông và truyền hình rớt dài so với ông Nguyễn Duy Hưng, nhưng vẫn ngang ngửa so với Bầu Đức và Trương Gia Bình.

Từ một diễn viên ít tên tuổi, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã bất ngờ lọt top 30 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) sau cú chào sàn chưa từng có hôm 26/6/2018.

Với giá tham chiếu 250.000 đồng/cp, Yeah1 định giá công ty ở mức 300 triệu USD và là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán từ trước cho tới nay. Yeah1 trở thành hiện tượng của sàn chứng khoán khi tự tin định giá cao hơn nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco...

Trong phiên đầu tiên, YEG tăng hết biên độ 20% lên 300.000 đồng/cp. Trong 2 phiên tiếp theo, YEG tiếp tục 1 phiên tăng trần và tăng mạnh lên 343.000 đồng/cp.

Ở mức giá này, với việc sở hữu 7,42 triệu cổ phiếu YEG, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống có khối tài sản quy từ cổ phiếu trị giá gần 2,55 ngàn tỷ đồng, giàu hơn nhiều doanh nhân kỳ cựu trên TTCK như ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng, bà trùm thủy sản Trương Thị Lệ Khanh, ông trùm công nghệ Trương Gia Bình, ông trùm nông nghiệp Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức)…

Tuy nhiên, trong 6 phiên liên tục vừa qua, cổ phiếu YEG của đại gia mới nổi Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm sàn và sát sàn, từ mức 343.000 đồng/cp xuống còn 225.000 đồng/cp, tương đương mất khoảng 35%. Ông Nhượng Tống chứng kiến túi tiền bốc hơi khoảng 900 tỷ đồng.

Kỷ lục khó tin, đại gia Nhượng Tống mất ngàn tỷ lập tức rớt đài - 1

Trên thực tế, Yeah1 có khá nhiều ưu thế với một kênh YouTube có hàng tỷ lượt người xe mỗi tháng. Công ty đã có chiến lược tập trung phát triển mảng quảng cáo trực tuyến để thay thế cho mảng quảng cáo truyền thống trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh. Lợi thế cạnh tranh chiến lược của Yeah1 là hệ sinh thái quảng cáo trải dài từ kênh quảng cáo truyền thống sang đến trực tuyến.

Tuy nhiên, mức giá 300.000 đồng/cp được xem là quá khi so sánh với những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vinamilk, Sabeco, MWG về mọi phương diện, từ lịch sử hoạt động, quy mô, danh tiếng, mức độ dẫn đầu ngành, tỷ suất sinh lớn…

Mặc dù dẫn đầu ngành nhưng Yeah1 của ông Nhượng Tống phụ thuộc vào các ông lớn quảng cáo trực tuyến như YouTube, Google. Yeah1 phụ thuộc vào chính sách và điều kiện dành cho đối tác của các đại gia thế giới này.

Cú giảm giá của Yeah1 khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về cách thức mà các ông chủ định giá doanh nghiệp quá cao trước khi lên sàn. Nỗi lo trở nên lớn hơn khi mà TTCK đang trong quá trình điều chỉnh giảm mạnh, sau khi lên đỉnh lịch sử 1.204 điểm vào đầu tháng 4 vừa qua.

Trong thời gian TTCK sôi động năm 2017 và quý 1/2018, hàng loạt cổ phiếu mới lên sàn với mức giá cũng được cho là rất cao, đằng sau là những giao dịch kỳ lạ với quy mô lên tới hàng ngàn tỷ đồng như giao dịch của Chủ tịch Yeah1, hay như tại VietJet và VPBank trước khi IPO.

Một số cổ đông chủ chốt đã bán cổ phiếu của mình cho nhà đầu tư ngay trước khi lên sàn rồi mua cổ phiếu phát hành mới với giá đúng bằng mức giá đã bán cho nhà đầu tư. Trong trường hợp của Vietjet, Công ty Đầu tư Hướng Dương Sunny của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã bán 44,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Sau đó, Vietjet phát hành riêng lẻ 22,4 triệu cổ phiếu cho công ty này, tương đương 1/2 số cổ phiếu đã bán ra.

Trên thực tế, cổ phiếu YEG giảm 1 phần do TTCK đang ở thời gian không thuận.

Trong phiên cuối tuần qua (6/7), TTCK đã hồi phục trở lại. VN-Index tăng 18 điểm lấy lại ngưỡng 900 điểm, trong khi đ, HNX-Index lấy lại mốc 100 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh với 7 mã tăng trần sau 1 chuỗi ngày giảm sâu.

Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 370 tỷ đồng trong phiên cuối tuần, với Vingroup (VIC) đứng đầu danh sách, tiếp sau là Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Vietcombank (VCB).

TTCK Việt Nam được đánh giá cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và có thể và với nhiều nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, chứng khoán Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ một đồng Nhân dân tệ giảm quá mạnh so với USD.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo xu hướng thị trường vài tháng tới vẫn là điều chỉnh bất chấp tăng trưởng GDP nửa đầu 2018 ấn tượng ở mức tăng 7,1%. Chỉ số P/E chung trên thị trường xuống mức 16x khá hấp dẫn. Nhưng TTCK Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài như việc Fed tăng lãi suất, chiến tranh thương mại, giảm giá đồng Nhân dân tệ. Những yếu tố này có thể gây thêm áp lực làm mất giá tiền Đồng và dẫn đến sự rút ra nhanh chóng của dòng tiền nóng.

Mặc dù tin rằng NHNN sẽ có đủ nguồn lực để kiểm soát biến động của tỷ giá theo sát mục tiêu điều hành năm 2018 nhưng VDSC cho rằng chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn trong nửa cuối 2018, khiến dòng vốn cho các lĩnh vực rủi ro như thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ giảm dần.

Kết thúc phiên giao dịch 6/7, VN-index tăng 18,11 điểm lên 917,51 điểm; HNX-Index tăng 4,31 điểm lên 100,7 điểm. Upcom-Index tăng 0,39 điểm lên 49,65 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,4 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà
VietnamNet

Kỷ lục khó tin, đại gia Nhượng Tống mất ngàn tỷ lập tức rớt đài - 2