Đại gia mất 245 tỷ đồng nhận lại trăm tỷ; dự án nhà Cường đôla “chậm như rùa”

(Dân trí) - Thông tin về việc nhận tạm ứng số tiền gần 100 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình tuần qua thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Bên cạnh đó, loạt dự án nhà Cường đôla liên tục gặp vướng mắc và các tin nóng trên thị trường chứng khoán của các đại gia cũng là chủ đề được nhiều người đón đọc.

Vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng: Eximbank tạm ứng 93 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình

Trong cuộc gặp chiều 26/6, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) và khách hàng Chu Thị Bình đã thống nhất thỏa thuận về việc tạm ứng cho bà Bình trong quá trình chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.

Đại gia mất 245 tỷ đồng nhận lại trăm tỷ; dự án nhà Cường đôla “chậm như rùa” - 1

Theo đó, bà Chu Thị Bình đã nhận số tiền tạm ứng đợt 1 là 93 tỷ đồng. Nhưng số tiền này, bà Bình sẽ gửi lại toàn bộ cho Eximbank chi nhánh TPHCM theo 3 sổ tiết kiệm có thời hạn 3, 6, 12 tháng.

Bà Bình cho rằng, vì thỏa thuận về việc tạm ứng mới là chỉ là bước đầu trong tiến trình giải quyết vụ việc, nên bà mong rằng Eximbank sẽ tiếp tục thể hiện thiện chí để thúc đẩy việc giải quyết dứt điểm, nhanh chóng vụ việc nói trên, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các bên.

Theo lộ trình, khi có kết luận điều tra chính thức, Eximbank sẽ tiến hành tạm ứng tối đa 152 tỷ đồng phần lại của khoản tiền gửi 245 tỷ đồng và bà Bình cam kết sẽ tiếp tục gửi lại thành sổ tiết kiệm ở Eximbank.

Quốc Cường Gia Lai “đau đầu” vì dự án “rùa bò”

Dự án Phước Kiển đang khiến bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT QCG “mất ăn mất ngủ” vì vướng mắc phần đền bù.

Đại gia mất 245 tỷ đồng nhận lại trăm tỷ; dự án nhà Cường đôla “chậm như rùa” - 2

“88 hộ dân đã được đền bù 50% và Quốc Cường Gia Lai sẽ tiếp tục đền bù phần còn lại. Tuy nhiên, suốt 3 tháng qua, chúng tôi vẫn chưa thể đền bù thêm được cho một hộ dân nào, bởi người dân đòi giá quá cao. Nếu đền bù theo ý muốn của họ thì cần phải có khoảng 2.000 tỷ đồng.Vậy thì chúng tôi lấy đâu ra tiền mà đền bù”, bà Loan nói.

Ngoài ra, các dự án khách như dự án Long Phước (quận 9) cũng đang vướng phải một số thủ tục. Dự án 24 Lê Thánh Tôn (quận 1) cũng đang gặp phải sự tranh chấp với Ngân hàng BIDV. Dự án Marina (Đà Nẵng) và một số dự án khác do chuyển đổi công năng loại hình, thủ tục pháp lý quá chậm nên kế hoạch kinh doanh cũng bị ảnh hưởng.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến tiếp tục “biệt tăm”

Cho đến hết phiên 28/6, cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã có 5 phiên liên tục tăng giá (trong đó có 2 phiên tăng trần), tổng mức tăng lên tới gần 22%. Thế nhưng, sáng ngày 29/6, mã này bất ngờ giảm giá, mất tới 3,3%.

Diễn biến này diễn ra khi bà Đặng Thị Hoàng Yến vắng mặt lần thứ 5 liên tiếp tại các phiên họp ĐHĐCĐ thường niên do “lịch làm việc dày đặc” và đã gây thất vọng và hụt hẫng cho cổ đông và nhà đầu tư.

Và cũng tương tự năm ngoái, ông Đặng Thành Tâm, em trai bà Yến được ủy quyền chủ trì phiên họp này.

Cách đây chỉ vài ngày, ông Đặng Thành Tâm đã phát thông tin đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu ITA. Lập tức, ITA đã tăng trần phiên 26/6, thế nhưng hiệu ứng này không thể kéo dài lâu. Thị giá ITA hiện chỉ ở mức 2.660 đồng/cổ phiếu, mức giá được ví von là “cổ phiếu trà đá”.

Vừa ký mua 20 chiếc Boeing 787, tỷ phú Trịnh Văn Quyết gỡ liền “triệu đô”

Phiên ngày 25/6, cổ phiếu FLC tăng giá 5% lên 5.250 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh “khủng” tới 11,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, “người anh em” là ROS (mã cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros) tăng trần 3.000 đồng/cổ phiếu lên 46.250 đồng, chấm dứt chuỗi giảm triền miên 9 phiên liên tục của mã này.

Nhờ mức tăng nói trên, ông Trịnh Văn Quyết đã có thêm gần 1.200 tỷ đồng (hơn 52 triệu USD) chỉ trong 1 phiên giao dịch đầu tuần, nâng tài sản chứng khoán lên 18.459 tỷ đồng.

Diễn biến thuận lợi này của cổ phiếu FLC được cho là do Chủ tịch HĐQT FLC đã có mặt tại trụ sở của Tập đoàn Boeing tại Seattle, Mỹ, chốt hợp đồng mua 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner, trị giá khoảng 5,6 tỷ USD. Thời gian bán giao khoảng tháng 4/2020.

Phá lệ 10 năm: Nữ đại gia mất 250 tỷ đồng lo vụ lớn ngàn tỷ

CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 100% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Cũng trong tháng 6, Thủy sản Minh Phú đã chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 68,46 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 1:1) tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Đại gia mất 245 tỷ đồng nhận lại trăm tỷ; dự án nhà Cường đôla “chậm như rùa” - 3

Việc phát hành cổ phiếu thưởng nằm trong chiến lược tăng vốn lên gấp 3 lần hiện nay lên 2.000 tỷ đồng của Minh Phú để dọn đường cho việc quay trở lại sàn niêm yết HOSE sau hơn 2 năm hủy niêm yết tự nguyện.

Ngoài việc phát hành cổ phiếu thưởng, Minh Phú sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Việc mở room ngoại lên 100% là bước đệm để đón thêm các nhà đầu tư mới. MPC cũng phát hành 1,53 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ chủ chốt.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, vợ chồng Chủ tịch MPC Lê Văn Quang chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại Minh Phú để nâng cao sức mạnh tài chính và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho doanh nghiệp.

Thế Hưng

Đại gia mất 245 tỷ đồng nhận lại trăm tỷ; dự án nhà Cường đôla “chậm như rùa” - 4