Kinh tế Trung Quốc vẫn xấu đi nhanh chóng bất chấp kích cầu

(Dân trí) - Dù ngân hàng trung ương Trung Quốc đã liên tục hạ lãi suất cơ bản để chặn đà giảm tốc nhưng những dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang xấu đi nhanh hơn dự báo.

Kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay Trung Quốc đã liên tục tung ra các giải phải kích thích kinh tế: 3 lần giảm dự trữ bắt buộc, 2 lần cắt giảm lãi suất cơ bản vậy nhưng có vẻ những chính sách đó chưa thể chặn đà suy giảm của nền kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc vẫn đang suy giảm mạnh (Ảnh Internet)
Kinh tế Trung Quốc vẫn đang suy giảm mạnh (Ảnh Internet)

Theo số liệu được Tổng cục hải quan nước này công bố ngày 10/8, thặng dư thương mại tháng 7/2012 đã giảm mạnh từ mức 31,7 tỷ USD của tháng 6 xuống còn 25,1 tỷ USD. Con số này thấp xa so với dự báo 35,2 tỷ USD của các chuyên gia.

Trong đó tăng trưởng xuất khẩu chỉ nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước và thua xa mức kỳ vọng 8% của các nhà kinh tế. Ngay cả khi đã loại trừ yếu tố gián đoạn do nghỉ Tết âm lịch, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang ở mức tệ nhất kể từ năm 2009.

Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ tăng 4,7% so với tháng 7/2011, thụt lùi so với mức tăng 6,3% trong tháng 6. Trước đó các chuyên gia được Bloomberg khảo sát dự báo mức tăng trưởng nhập khẩu đạt 7%. Phát biểu trong buổi họp báo công bố thông tin, thứ trưởng bộ Thương mại nước này Gao Hucheng thừa nhận “sẽ chịu nhiều áp lực” trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10%.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục bị tác động mạnh bởi khủng hoảng tại châu Âu khi kim ngạch tới thị trường này sụt 16,2% trong tháng 7. Cùng lúc đó xuất khẩu sang Mỹ chỉ khẽ nhích lên 0,6%, thấp xa so với mức 10,6% của tháng 6.

Những số liệu đáng thất vọng trên được công bố một ngày sau khi Cơ quan thống kê quốc gia nước này cho biết sản lượng công nghiệp trong tháng 7 chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ 2011, thấp hơn 0,3 điểm % so với tháng 6. Đây cũng là tháng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm nhất từ tháng 5/2009.

“Quá trình phục hồi của nền kinh tế dường như đang chậm chạp và khá “đau đớn”. Rất khó để dự báo rằng khi nào kinh tế sẽ phục hồi”, Ma Jun, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank nhận định. Đồng thời vị chuyên gia cho rằng với tình hình này tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 của nước này khó lòng cải thiện so với quý 2.

Hôm 9/8 ngân hàng hàng đầu nước Anh Barclays Plc đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 3 từ 8,2% xuống còn 7,7%. Tương tự Deutsche Bank cũng điều chỉnh dự báo của mình về 7,5% thay cho mức 7,9% trước đó.

“Một loạt những dữ liệu kinh tế vĩ mô ảm đạm này khiến chính phủ Trung Quốc càng chịu áp lực phải nới lỏng chính sách”, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế của quỹ đầu tư Nomura nhận định. Cùng quan điểm trên, kinh tế gia trưởng của ngân hàng ANZ phụ trách thị trường Trung Quốc cho rằng: “Việc nới lỏng chính sách tiền tệ cần phải quyết liệt hơn trong thời gian còn lại của năm nay”. Ông cũng cho rằng không loại trừ khả năng kinh tế nước này sẽ “hạ cánh cứng”.

Donna Kwok, nhà kinh tế của ngân hàng HSBC cũng khẳng định: “Những dữ liệu trên chắc chắn đã gây ngạc nhiên lớn và nó khiến Bắc Kinh không sớm thì muộn cũng phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc này có thể được thực hiện chỉ trong vài ngày tới chứ không phải vài tuần”.

Thanh Tùng
Tổng hợp