Chi phí trong nước đắt đỏ, doanh nghiệp Trung Quốc "tháo chạy" ra nước ngoài
(Dân trí) - Không thể chịu nổi sự leo thang của chi phí kinh doanh trong nước, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội. Trong đó Việt Nam và một số nước Đông Nam Á chính là đích đến ưa thích.
Từ chi phí nhân công, tỷ giá, nguyên vật liệu thô, tiền thuế, tiền vận chuyển…đều đã vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cũng như các khách hàng. Bà quyết định sẽ dời nhà máy sang Campuchia. Đây cũng chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chọn cách “tháo chạy” ra nước ngoài để tồn tại.
Phát biểu trên tờ China Times bà Zang chia sẻ chi phí sản xuất tại các nước Đông Nam Á thấp hơn đến 60% so với việc sản xuất tại các trung tâm công nghiệp dọc đồng bằng sông Dương Tử và sông Trường Giang.
“Chi phí lao động tại Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa ở miền Trung của Trung Quốc. Hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế tới 3 năm và mức thuế suất áp dụng từ năm thứ ba tới thứ năm chỉ là 5%. Từ năm thứ sáu, thuế suất mới tăng lên 10%”, bài báo phân tích. Hơn nữa hàng xuất đi từ Campuchia và Bangladesh tới thị trường EU, Canada hay Nhật Bản đều được miễn thuế.
Ngoài ra việc chuyển tới Đông Nam Á còn giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được các hàng rào thương mại như thuế chống bán phá giá của EU và các nước khác. Theo tờ China Times, chính vì các yếu tố này mà Đông Nam Á trở thành điểm đến hàng đầu cho đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc muốn xuất ngoại.
Không riêng những doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả những tên tuổi lớn trên thị trường Trung Quốc cũng đang không chịu nổi chi phí sản xuất trong nước. Mới đây, Vancl, nhà bán lẻ hàng may mặc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Một lãnh đạo của Vancl khẳng định họ đang liên hệ với các nhà sản xuất tại Indonesia, Campuchia và các nước Đông Nam Á khác. “Một công nhân tại Bangladesh mỗi tháng chỉ được hưởng lương từ 500 – 600 nhân dân tệ (khoảng 80 – 95 USD), trong khi đó lương của công nhân Trung Quốc thấp nhất cũng lên tới 2000 nhân dân tệ”, vị lãnh đạo của Vancl nói đồng thời cho biết thêm rằng dù phải chịu thêm các chi phí vận tải và chi phí khác thì Vancl vẫn tiết kiệm được khoảng 5-10% chi phí so với sản xuất trong nước.
Theo một báo cáo được Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc công bố hôm 7/8, lương trung bình cho lao động nhập cư dưới 35 tuổi ở nước này trong năm ngoái là 2.513 nhân dân tệ/tháng, tăng gần 30% so với năm 2009.
Dù phải trả lương cao nhưng việc tuyển dụng lao động không phải dễ. Đại diện của Vancl cho rằng “thế hệ lao động mới” của Trung Quốc không thích làm việc trong nhà xưởng. Các nhà sản xuất khắp nước này cho biết lao động nhập cư trẻ ngày nay chỉ thích làm việc trong ngành dịch vụ hoặc các công việc văn phòng hơn là đứng trong các dây chuyền lắp ráp thiết bị.
“Vancl chỉ bán hàng vào thị trường Trung Quốc”, nhà phân tích Shaun Rein tại công ty China Market Research ở Thượng Hải nhận định. “Một trong những lí do giúp họ thành công đó là đưa ra được các sản phẩm mới thiết kế riêng cho người Trung Quốc một cách rất nhanh”. Việc sản xuất tại Bangladesh có thể hủy hoại lợi thế này.
“Dù vậy thì ngày càng nhiều thương hiệu Trung Quốc sẽ đi theo cách này khi chi phí lao động trong nước tiếp tục tăng cao”, Shao Ligang, lãnh đạo công ty tư vấn dệt may Jiupai Yixian khẳng định.
Thanh Tùng
Tổng hợp