1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kinh tế Trung Quốc khó khăn, lái xe công nghệ phát khóc

Hoàng Đại

(Dân trí) - Zhu Zhimin, một tài xế công nghệ tại thành phố Thượng Hải, phải làm việc tới 15 tiếng mỗi ngày bởi anh phải cạnh tranh với một lực lượng lái xe ngày một đông đảo.

Zhu, với thu nhập rơi vào khoảng 400-600 tệ (tương đương 1,3-1,9 triệu đồng) mỗi ngày, thường phải làm việc từ sáng sớm cho tới tối muộn. 3 tháng vừa qua, anh không có lấy một ngày nghỉ.

"Tôi về nhà vào nửa đêm, tắm rửa rồi đi ngủ. Hầu như tôi chẳng có thời gian rảnh", anh chia sẻ với phóng viên Reuters ngay trên phương tiện "kiếm cơm" của mình. "Bọn trẻ ngày một lớn, bố mẹ thì già đi. Gia đình tôi cần tiền lắm", anh nói.

Kinh tế Trung Quốc khó khăn, lái xe công nghệ phát khóc - 1

Zhu Zhimin trên chiếc xe "kiếm cơm" của mình (Ảnh: Reuters).

Đà phục hồi yếu của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 với tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ cao kỷ lục (21,3% vào tháng 6) đẩy nhiều người hơn đi làm tài xế công nghệ - nghề vốn không đòi hỏi quá cao về mặt trình độ. Và hệ quả là thu nhập trung bình của khoảng 5,8 triệu tài xế đăng ký trước đó không còn dồi dào như trước.

Thời gian qua, một loạt dữ liệu được công bố cho thấy nền kinh tế số 2 thế giới phải đối diện nhiều hơn những thách thức trong quý II cũng như tháng đầu tiên của quý II. Cũng trong giai đoạn này, có khoảng 400.000 người đăng ký làm tài xế công nghệ trên toàn quốc, theo thông tin từ Bộ Giao thông Trung Quốc.

Giới chuyên gia đánh giá mức tăng 7% số lượng tài xế công nghệ trong thời gian ngắn là biểu hiện của một thị trường lao động "thiếu sức sống".

Theo dữ liệu chính phủ, thu nhập trung bình đối với một nhân viên văn phòng tại Thượng Hải rơi vào khoảng 525 tệ mỗi ngày, tương đương với số tiền mà các tài xế công nghệ nhận được. Điểm khác biệt duy nhất là thời gian làm việc của các tài xế thường dài hơn.

"Sự thay đổi trong môi trường kinh tế - xã hội làm khô hạn cơ hội việc làm, châm ngòi làn sóng dịch chuyển lao động sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ đặt xe qua ứng dụng", Wang Ke, Chuyên gia lĩnh vực giao thông tại công ty nghiên cứu thị trường Analysys, trả lời Reuters.

"Số lượng người không thể tìm kiếm được việc làm mong muốn khiến cho các ứng dụng gọi xe trở thành lựa chọn số một", ông cho biết.

Trung Quốc hiện có hơn 300 ứng dụng như vậy, cung cấp 40% tổng chuyến xe được thực hiện trong năm 2022.

Một số thành phố như Thượng Hải, Tam Á và Trường Sa buộc phải tạm dừng cấp phép tài xế mới. Ít nhất 4 thành phố khác đã phát đi cảnh báo về tình trạng dư thừa lái xe với lượng đơn, chuyến ít hơn con số 10 mỗi ngày.

"Nền kinh tế không thực sự khởi sắc, nhiều người lao động bị thôi việc và bắt đầu làm tài xế công nghệ để có tiền trang trải cuộc sống", theo James Cai, 33 tuổi, tới từ thành phố Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, một trong số những địa phương đã đưa ra cảnh báo về tình trạng dư thừa tài xế.

"Phần lớn người làm công việc này nằm trong độ tuổi từ 20 đến 30", anh chia sẻ với Reuters.

Cai hiện kiếm được khoảng 200-300 tệ mỗi ngày thông qua ứng dụng Didi Global, vốn được coi là Uber của Trung Quốc. Anh phải làm việc từ 8:00 sáng tới tận nửa đêm. Gần đây, anh mới có cơ hội về nhà trước 20:00 vì nhận thêm được tiền thưởng.

"Công việc này không còn dễ dàng nữa", anh nói thêm.

Kinh tế Trung Quốc khó khăn, lái xe công nghệ phát khóc - 2

Nghề tài xế xe công nghệ không còn dễ dàng như trước (Ảnh: Reuters).

Wang tới từ Analysys, dự báo thị trường gọi xe sẽ trải qua một giai đoạn "tự điều chỉnh" với nhiều tài xế phải từ bỏ công việc của mình.

Nanxun Li, một tài xế công nghệ khác tại Hải Khẩu, đã phải bán chiếc ôtô của mình hồi tháng trước, qua đó khép lại quãng thời gian 10 năm trong nghề. Quyết định trên được đưa ra khi thu nhập của anh giảm từ 1.000 tệ xuống chỉ còn 300-400 tệ mỗi ngày.

"Thật khó để có thể trang trải cuộc sống với mức thu nhập đó", Li trả lời Reuters.

Dù có ít tài xế hơn, việc kiếm tiền qua các ứng dụng gọi xe được dự báo không có nhiều biến chuyển khi nền kinh tế lún sâu vào khó khăn. Trường hợp của Li Weimin, một tài xế khác tới từ Thượng Hải, càng làm sáng tỏ những vấn đề nghiêm trọng mà thị trường lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế đang phải đối mặt.

"Tôi không ăn vào ban ngày mà chỉ ăn sau khi trở về nhà vào ban đêm", tài xế 45 tuổi chia sẻ. Ông thường làm việc từ 6h30 sáng tới 1h00 sáng ngày hôm sau với mức thu nhập 500 tệ.

"Tôi phải kiên trì làm công việc này. Vì chẳng còn công việc phù hợp nào khác", ông tâm sự.