Kinh tế sáng hơn năm nay: Chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ lực
(Dân trí) - Đưa ra dự báo tăng trưởng GDP lạc quan cho năm 2024, các chuyên gia đề xuất thực hiện chính sách tài khóa phản chu kỳ: miễn giảm thuế để kích thích tiêu dùng và đầu tư
Dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng GDP năm 2024
Tại Diễn đàn cấp cao về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 "Chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển" do Trường Đại học Ngân hàng TPHCM và trường Kinh tế (trường ĐH Vinh) tổ chức diễn ra sáng nay (5/7) tại TP.Vinh, Nghệ An, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2024 so với dự báo của các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho biết, đơn vị này dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 trong khoảng 6,3-6,7% (cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023).
Trong đó, để đạt được mức này thì tăng trưởng GDP quý III phải đạt 6,14-6,89% và tăng trưởng GDP quý IV là 6,17-6,91%. Đồng thời, tăng trưởng khu vực công nghiệp là 7-7,5%.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Trung cũng lưu ý rằng, mức tăng trưởng 6,42% của nền kinh tế trong 6 tháng chủ yếu dựa trên nền tảng khiêm tốn của cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 7,54% do mức nền năm 2023 thấp.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng suy giảm với mức tăng 8,6%, thấp hơn so với mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2023. Đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm tăng 6,8%, chỉ cao hơn năm 2020 và năm 2023. Ông Trung cho rằng, điều này phản ánh bức tranh chưa thực sự tươi sáng.
Ông nhận xét, xuất nhập khẩu là điểm sáng của tổng cầu trong 6 tháng đầu năm nay khi tăng 15,7%. Tuy nhiên, thành tích xuất siêu lại đến từ khối FDI và duy trì tình trạng nhập siêu dịch vụ.
Đầu tư toàn xã hội 6 tháng ước đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2018-2024, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2020 và 4,7% của cùng kỳ năm 2023.
Cán cân ngân sách Nhà nước bội thu cao nhất trong cùng kỳ 3 năm trở lại đây nhưng chi đầu tư phát triển khá chậm, giảm 5,6% so với cùng kỳ do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu...
Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - cho biết, mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra cho năm 2024 là 6,3-6,5%, khá sát với mục tiêu của Chính phủ (6-6,5%).
Nhìn chung, các mức dự báo đưa ra tại diễn đàn hôm nay đều cao hơn dự báo từ các định chế, tổ chức quốc tế về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024.
Một báo cáo của World Bank vừa công bố hồi tháng 6 dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 5,5% trước khi cải thiện lên 6% vào năm 2025.
Mức tăng trưởng dự kiến này cao hơn so với khu vực cũng như các quốc gia lân cận như Trung Quốc là 4,5%; Thái Lan là 2,8%; Singapore là 2,3%, Lào là 4%, Indonesia là 4,9%, Malaysia là 4,3%...; chỉ thấp hơn Philippines và Campuchia là 5,8%. World Bank dự báo tăng trưởng chung của khu vực Đông Á & Thái Bình Dương năm 2024 ở mức 4,5%.
Trước đó, dự báo của IMF công bố hồi tháng 4 nhận định, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 5,8%. Dự báo của ADB là 6% và dự báo của Liên hợp quốc (UN) là 6%.
Chính sách tài khóa cần giữ vai trò chủ lực
Đánh giá về bức tranh nửa cuối năm nay, PGS. TS Nguyễn Đức Trung cho rằng, nền kinh tế được hỗ trợ bởi loạt nhân tố tích cực như tiêu dùng duy trì sự tăng trưởng ở mức ổn định; đầu tư FDI trở lại sau một năm không tăng; các dự án, công trình giao thông trọng điểm đang được tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn giải ngân; tăng trưởng xuất khẩu duy trì phong độ phục hồi.
Bên cạnh đó, sản xuất của các khu vực mặc dù chưa có sự chuyển mình đáng kể nhưng cũng sẽ tăng trưởng ở mức ổn định khi tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi về trạng thái bình thường.
Chiều ngược lại, mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ gặp thách thức do rủi ro xung đột địa chính trị; diễn biến đầy biến động của giá năng lượng và nguyên liệu thế giới có thể gây áp lực lên lạm phát 6 tháng cuối năm.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều do lo ngại bùng phát lạm phát. Sự cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu có ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung lưu ý, trạng thái "bình thường mới" (lãi suất duy trì ở mức thấp nhưng tín dụng không tăng) có thể quay trở lại trong giai đoạn cuối năm nay. Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thâm dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng năng suất và giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua tự động hóa quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu và dự đoán thị trường và tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quản lý rủi ro.
Vị chuyên gia đề xuất thực hiện chính sách tài khóa phản chu kỳ: miễn giảm thuế để kích thích tiêu dùng và đầu tư. Tại các địa phương có lợi thế về biển, nên thành lập các khu thương mại tự do để thúc đẩy phát triển logistics và du lịch, nhằm thu hút khách du lịch và các hoạt động cung ứng, vận tải.
Còn theo quan điểm của chuyên gia Cấn Văn Lực, thời gian tới, chính sách tài khóa cần giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải pháp đầu tư công, còn chính sách tiền tệ đóng vai trò bổ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
Vị chuyên gia đề nghị Chính phủ cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất (nhất là lãi suất cho vay), lành mạnh hóa thị trường tài chính - tiền tệ.