Kinh tế Anh hồi phục trở lại sau Brexit

(Dân trí) - Nước Anh đang cho thấy các dấu hiệu bình phục trở lại sau sự kiện Brexit. Người dân đã bớt siết chặt hầu bao hơn, và nhiều lĩnh vực kinh tế khởi sắc trở lại. Trong đó, ngành dịch vụ đồ ăn đang là nghề hái ra tiền ở Anh

Kinh tế Anh hồi phục trở lại sau Brexit - 1

Đã hơn 100 ngày kể từ khi nước Anh chính thức bỏ phiếu ủng hộ Brexit, và mặc dù các cuộc đàm phán chính thức chưa được diễn ra, nhưng tại thời điểm hiện nay, có vẻ như cả người tiêu dùng và các chủ doanh nghiệp tại Anh đã cảm thấy vững tin hơn trong thời kỳ hậu Brexit.

Trái với nhiều dự đoán cho rằng, kinh tế Anh sẽ rơi vào khủng hoảng sau quyết định rời khỏi liên minh châu Âu EU, thì các số liệu cho thấy nền kinh tế của "xứ sở sương mù" đang vận hành khá tích cực sau Brexit. Điển hình là các khoản vay chính phủ giảm, lạm phát ổn định, và chi tiêu tiêu dùng tăng đến 10% - cũng là mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập niên vừa qua.

Bất chấp giới đầu tư vẫn đang bị ám ảnh bởi Brexit và đồng bảng Anh tụt dốc không phanh, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay, thì có vẻ như chuyện bảng Anh giảm giá vẫn chưa thực sự có những tác động tới thu nhập thực tế của người dân tại Anh.

Đáng lưu ý, một trong những tác động được cho là mang lại hiệu quả nhất thời gian qua đó là việc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã bơm hàng chục tỉ USD vào nền kinh tế, đồng thời giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục. Việc nội tệ Anh giảm 13% cũng có ích khi khiến hàng xuất khẩu của Anh rẻ hơn trong mắt khách mua nước ngoài. Bên cạnh đó, số liệu nhà máy tích cực còn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - vốn chiếm gần 80% nền kinh tế Anh - đã tăng 0,4% từ tháng 6 đến tháng 7/2016.

"Trước thời điểm Brexit thì mọi thứ trì trệ, nhưng rồi doanh thu đã gia tăng ổn định, và việc kinh doanh đã trở lại bình thường", David Moore, chủ một cửa hàng đồ ăn tại Anh cho biết.

Nền kinh tế tại Anh đang bất ngờ ổn định trở lại
Nền kinh tế tại Anh đang bất ngờ ổn định trở lại

Trong tháng 8 vừa qua, lượng nhà hàng mới mở tại London đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho rằng tâm lý người tiêu dùng Anh đã bắt đầu yên tâm hơn cho một tương lai hậu Brexit. Họ đã không còn siết chặt hầu bao, và việc kinh doanh nhà hàng vì thế mà được hưởng lợi.

Kallum Pickering, một chuyên gia kinh tế cho biết: "Mặc dù kinh tế đã phát triển chậm lại, nhưng tình hình sáng sủa hơn so với dự đoán của nhiều nhà đầu tư. Điều quan trọng là kinh tế Anh đã không rơi vào suy thoái."

Thời điểm diễn ra cuộc đàm phán đưa nước Anh rời khỏi EU đã được xác định, đó là vào cuối tháng 3/2017. Theo AFP, tuyên bố này của bà Theresa May chắc chắn sẽ làm hài lòng các lãnh đạo ở Brussels bởi lẽ họ muốn dứt điểm nhanh vấn đề để không gây nhiều hậu quả trong bối cảnh EU đang gặp một lúc quá nhiều cuộc khủng hoảng lớn, từ kinh tế cho đến xã hội.

Chính phủ của bà Theresa May cũng nhiều khả năng sẽ rời bỏ EU một cách cứng rắn, đồng thời từ bỏ quyền thành viên trong khối thị trường chung, để lại nhiều quyền đàm phán hơn trong lĩnh vực nhập cư, ngân sách, và các vấn đề về luật pháp.

Nguyễn Nguyễn