345 tỷ USD nước Anh tính dùng “giải quyết hậu quả” Brexit
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney vừa tuyên bố sẵn sàng bơm một lượng tiền Bảng khổng lồ vào hệ thống tài chính để ứng phó với cuộc khủng hoảng mà việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), tức Brexit, gây ra trên thị trường.
Theo tin từ Bloomberg, ông Carney nói BoE có thể cung cấp thêm tới 250 tỷ Bảng, tương đương 345 tỷ USD, thông qua các chương trình bơm thanh khoản hiện có của cơ quan này.
Ngoài ra, BoE cũng dự phòng các biện pháp cần thiết khác để ứng phó với một giai đoạn mà ông Carney gọi là “giai đoạn của bất ổn và sự điều chỉnh” sau khi cử tri Anh chọn chấm dứt địa vị thành viên kéo dài 43 năm của nước này trong khối thị trường chung lớn nhất thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày 24/6, đồng Bảng đã rớt giá thấp nhất 30 năm, trong khi chứng khoán toàn cầu sụt giảm chóng mặt. Giới đầu tư tin rằng Anh sẽ phải cắt giảm lãi suất vào tháng 7 từ mức 0,5% hiện nay, thậm chí là về luôn 0%, trong khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s nói Anh sẽ không giữ được điểm tín nhiệm AAA.
“Một số biến động thị trường và kinh tế có thể xảy ra trong quá trình Anh rời EU”, ông Carney nói trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình Anh, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức trong thời gian từ nay đến tháng 10, một động thái được cho là sẽ dẫn tới bất ổn chính trị - trong một thời điểm vốn dĩ đã nhiều bất ổn như hiện nay.
Bloomberg cho rằng, giờ là lúc ông Carney phải dựa vào các biện pháp cần có trong các cuộc khủng hoảng để giảm sự hoảng loạn trên thị trường.
Với việc kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố trong một ngày giao dịch của thị trường, giới đầu tư nhiều khả năng sẽ bán tháo tài sản Anh và rút vốn mạnh khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng nước này sụt giảm.
BoE “đã có kế hoạch dự phòng trên diện rộng và hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan khác trong nước và các ngân hàng trung ương nước ngoài”, một tuyên bố của BoE có đoạn viết. “BoE sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để hoàn thành trách nhiệm về ổn định tài chính và tiền tệ”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 24/6 nói các ngân hàng trung ương sẽ cố gắng hết sức để cung cấp thanh khoản. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Trước cuộc trưng cầu dân ý của Anh, thống đốc các ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật, Canada, Thuỵ Sỹ… đều đã cảnh báo về những hậu quả u ám nếu cử tri Anh chọn Brexit.
Ngoài việc đảm bảo đủ thanh khoản cho các ngân hàng, kế hoạch của BoE còn bao gồm kích hoạt các thoả thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác để đảm bảo nguồn cung ngoại tệ.
Những số liệu kinh tế thời gian gần đây cho thấy kinh tế Anh đang giảm tốc. Những hệ quả mà Brexit gây ra cho kinh tế Anh có thể bao gồm lạm phát tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng, và thậm chí là suy thoái kinh tế.
Bởi vậy, BoE có thể sẽ phải đối mặt với điều mà Thống đốc gọi là “sự đánh đổi đầy thách thức” giữa một bên là hỗ trợ tăng trưởng và việc làm với một bên là kiềm chế lạm phát.
Một vấn đề khác khiến BoE lo ngại thời gian gần đây là thâm hụt tài khoản vãng lai tăng cao kỷ lục của Anh. BoE cho rằng sự sụt giảm mạnh của các dòng vốn chảy vào nước Anh sẽ đặt ra một khó khăn lớn về tài chính”.
Số liệu gần đây nhất cho thấy dòng tiền chảy vào Anh ít hơn dòng tiền chảy khỏi nước này 32,7 tỷ Bảng tương đương 43,3 tỷ USD, mức thâm hụt lớn chưa từng có và tương đương 7% GDP của Anh.
Lạm phát của Anh hiện ở mức chỉ 0,3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BoE, nhưng các nhà phân tích dự báo mức lạm phát của nước này sẽ tăng mạnh trong năm nay khi đồng Bảng suy yếu đẩy giá hàng hoá nhập khẩu gia tăng.
Theo An Huy
VnEconomy