Kinh doanh sa sút, các sếp Tập đoàn Hóa chất vẫn “bỏ túi” gần 50 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Mặc dù lợi nhuận sụt giảm trên 20% trong năm 2015 và báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016, song viên chức quản lý tại Vinachem vẫn có mức thu nhập 48,5 triệu đồng/tháng và dự kiến tăng lên gần 54 triệu đồng/tháng vào năm 2016.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo về quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của tập đoàn năm 2015.
Theo đó, trong năm vừa qua, số lao động của tập đoàn ở mức 163 người (vượt 3 lao động so với kế hoạch), mức tiền lương bình quân ở mức 19,38 triệu đồng/người/tháng. Theo đó, trong năm 2015, Vinachem phải trích 37,9 tỷ đồng cho quỹ tiền lương của tập đoàn.
Cộng với khoản tiền thưởng, phúc lợi phân phối trực tiếp cho người lao động ở mức 5,7 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 24% so với kế hoạch), tổng thu nhập bình quân mỗi tháng mà người lao động tại Vinachem nhận được trong năm 2015 là 22,28 triệu đồng/người/tháng (cao hơn kế hoạch đặt ra 2,6%).
Trong khi đó, với số người quản lý doanh nghiệp là 13 người trong năm 2015, mức lương cơ bản bình quân mà viên chức quản lý tại Vinachem nhận được là 32,31 triệu đồng/người/tháng, tiêu tốn quỹ tiền lương 7,56 tỷ đồng.
Mức lương bình quân của viên chức quản lý tại Vinachem nhận được năm qua là 48,46 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, năm 2015, mặc dù Vinachem đã dự kiến chi 850,5 triệu đồng cho quỹ tiền thưởng dành riêng cho viên chức quản lý nhưng trên thực tế, tập đoàn không chi khoản này, do đó, mặc dù nhận được mức thu nhập xấp xỉ 49 triệu đồng/tháng song viên chức quản lý của Vinachem vẫn bị hụt hơn 10% so với mức thu nhập bình quân dự kiến ban đầu (dự kiến là 53,91 triệu đồng/người/tháng).
Trong năm 2016, Vinachem dự kiến nâng mức thu nhập bình quân của người lao động trong tập đoàn lên 22,89 triệu đồng/người/tháng (tăng gần 3% so với 2015) và thu nhập của viên chức quản lý sẽ tăng mạnh lên 53,89 triệu đồng/người/tháng (tăng 11,2% so với 2015).
Năm 2015, Vinachem báo lãi trước thuế 2.134,8 tỷ đồng và lãi ròng 1.467 tỷ đồng (lần lượt giảm 21% và giảm 25% so với kết quả đạt được năm 2014). Trong đó, lãi ròng của công ty mẹ cũng "bốc hơi" gần một nửa so với 2014, đạt 542,9 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm 2016, Vinachem bất ngờ báo lỗ hợp nhất 203,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 998,3 tỷ đồng), trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 476,8 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 535,3 tỷ đồng).
Vinachem hiện đang nắm 100% vốn sở hữu tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám tại Ninh Bình có công suất 560.000 tấn ure/năm với vốn đầu tư trên 660 triệu USD, do Vinachem làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, suốt hơn 3 năm vừa qua kể từ khi đi vào hoạt động, nhà máy này liên tục thua lỗ, đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ lũy kế lên tới 2.692 tỷ đồng và nhà máy mới hoạt động chưa được 100 ngày từ đầu năm tới nay.
Trong năm 2015, Vinachem điều chỉnh tăng giá trị khoản đầu tư vào Đạm Ninh Bình khi thực hiện ghi giảm giá trị tài sản đạm bàn giao.
Tập đoàn đã giảm đáng kể chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đạm than Ninh Bình, từ mức 283,1 tỷ đồng đầu năm xuống còn 10 tỷ đồng vào giai đoạn cuối năm.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình hiện đang có hai khoản vay với thời hạn 12 tháng và 9 tháng với lãi suất thả nổi đều đáo hạn trong năm 2016 này tổng giá trị lên tới 1.563,4 tỷ đồng. Chủ nợ là BIDV - chi nhánh Tây Hồ và Vietcombank - chi nhánh Ninh Bình.
Ngoài ra, công ty này còn có 43,3 tỷ đồng khoản vay và khoản phải trả đến hạn khác cũng sẽ đáo hạn trong năm 2016 này.
Đến cuối năm 2015, Vinachem vẫn còn tới 703,4 tỷ đồng khoản phải thu Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu tiền mua than cám dùng cho chạy thử Nhà máy đạm Ninh Bình và 12 tỷ đồng phải thu với đối tác này tiền lãi vay cho chạy thử Nhà máy đạm Ninh Bình.
Bích Diệp