Kinh doanh hàng không: “Ông lớn” thu siêu lợi nhuận, tư nhân lo “hết cửa” làm ăn?
(Dân trí) - Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, không thể bác bỏ sự thật rằng Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp siêu lợi nhuận khi khai thác hạ tầng của Nhà nước mà không phải trả tiền, trong khi đó cơ hội cho tư nhân muốn tham gia đầu tư kinh doanh không nhiều.
Hôm qua (9/12), trong cuộc tọa đàm “Phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch” diễn ra tại Hà Nội, vấn đề “nút thắt” hạ tầng hàng không được nhiều người quan tâm, một số nêu ý kiến trao đổi thẳng thắn.
Chuyên gia hàng không, TS. Lương Hoài Nam cho biết: Trên thế giới các tập đoàn, doanh nghiệp làm sân bay phải làm cả đường băng, khu bay. Ở Việt Nam, thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp, ACV trở thành nhà đầu tư sân bay nhưng không làm khu bay.
“Không thể bác bỏ sự thật rằng ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40-45%, làm gì có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đến tỷ suất lợi nhuận như vậy? Vietnam Airlines tỷ suất lợi nhuận được 2-3%, Vietjet tỷ suất lợi nhuận 7-8%” - ông Lương Hoài Nam nói.
Theo ông Nam, cần có sự ràng buộc trách nhiệm của ACV với khu bay của 21 sân bay mà ACV đang khai thác. “Họ đang khai thác hạ tầng do nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền. Tôi nghĩ rằng cấu trúc về đầu tư, quản lý và vận hành sân bay cần phải xem xét lại một cách tổng thể” - ông Nam nêu rõ.
Ở góc độ là nhà kinh tế tư nhân, ông Chu Việt Cường - Thành viên Hội đồng quản trị Vietjet Air - cho rằng ngành hàng không Việt Nam được biết đến là một môi trường mở cửa và sẵn sàng hội nhập. Bằng chứng là Vietjet - một hãng hàng không tư nhân chuyên nghiệp với 2/3 mạng bay là các chặng quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc và góp phần “thức tỉnh” hàng chục sân bay trong nước, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đại diện hãng hàng không thế hệ mới cũng chia sẻ đánh giá về hạ tầng hàng không Việt Nam và đề xuất có được sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, với các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng tham gia để tạo ra những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không, của nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo vị đại diện này, cần có các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Kinh nghiệm các nước cho thấy, huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng hàng không là lời giải đúng đắn nhất để phát triển ngành hàng không.
“Tại Mỹ, tư nhân được phép đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay theo nhiều hình thức, trong đó phổ biến là hình thức đối tác công - tư. Từ những năm 1980, khi Chính phủ Anh nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân thì cơ sở hạ tầng đã được cải thiện tốt hơn và chất lượng dịch vụ, an ninh cũng tốt hơn” - ông Cường dẫn chứng.
Đề cập tới việc đầu tư xây dựng hạ tầng hàng không, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện nay sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là công trình duy nhất nhà đầu tư tư nhân tham gia toàn bộ. “Nếu như tư nhân tham gia đầu tư thì sẽ tốt hơn rất nhiều, nhưng xem xét về khả năng của các nhà đầu tư trong thời gian qua còn hạn chế. Xã hội hóa vẫn là chủ trương được quan tâm” - đại diện Bộ KH&ĐT nêu lí do.
Lý giải về trường hợp của ACV mà ông Lương Hoài Nam nêu ra, vị này cho biết: Trước kia khu bay do ACV quản lý, nhưng sau khi ACV cổ phần hóa thì tách phần kết cấu hạ tầng khu bay do Nhà nước quản lý do liên quan tới khai thác, an ninh, an toàn hàng không... toàn bộ phần tài sản khu bay đã tách ra không được tính vào giá trị cổ phần của ACV.
“Chính phủ quản lý và giao cho ACV khai thác, khai thác để thu hộ Nhà nước chi phí khai thác khu bay, không phải ACV thuê hay kinh doanh, khai thác miễn phí khu bay để thu lợi nhuận” - đại diện KH&ĐT nhấn mạnh.
Về xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, Bộ KH&ĐT khẳng định đó là chủ trương được quan tâm. “Nếu tư nhân tham gia đầu tư thì sẽ tốt hơn rất nhiều, nhưng xem xét về khả năng của các nhà đầu tư trong thời gian qua thấy còn hạn chế” - đại diện Bộ KH&ĐT cho hay.
Châu Như Quỳnh