Kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ Latin tăng 17 lần trong 10 năm
(Dân trí) - Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy tăng trưởng với tốc độ cao nhưng kim ngạch song phương chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước, số lượng dự án đầu tư còn khiêm tốn.
(Ảnh: VOV).
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Việt Nam - Mỹ Latin về thương mại và đầu tư tổ chức sáng 5/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, quan hệ song phương giữa hai bên hiện đang phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 17 lần, đạt hơn 5 tỷ USD năm 2011. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và viễn thông. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, những thành quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Kim ngạch thương mại hai chiều tuy tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước. Số lượng các dự án đầu tư của hai bên còn khiêm tốn. Hiểu biết về đối tác, môi trường đầu tư, kinh doanh của mỗi bên còn hạn chế.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, các nước Mỹ Latin, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường rộng lớn trên 570 triệu dân có xu hướng hội nhập, cùng các thế mạnh về dầu khí, khai khoáng, nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, năng lượng mới, công nghệ sinh học, du lịch… là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam đang là thị trường có vị trí chiến lược tại khu vực Đông Á, là thành viên của nhiều cơ chế thương mại khu vực và quốc tế. Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 đạt hơn 200 tỷ USD. Trên 13.700 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 200 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đã có gần 700 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông, viễn thông.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trở thành đối tác kinh tế quan trọng của các nước Mỹ Latin, đồng thời là cầu nối để Mỹ Latin đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế với khu vực Đông Á.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản và cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ các nước Mỹ Latin.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, diễn đàn ngày hôm nay ngoài các lãnh đạo cấp cao của nước chủ nhà Việt Nam còn có sự tham gia của các đoàn Chính phủ và đại diện các địa phương Mỹ Latin cùng hơn 200 doanh nghiệp Mỹ Latinh và Việt Nam.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo bước đột phá, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latin, đưa quan hệ song phương sang một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hai bên.
Những nét chính về thị trường Mỹ Latin
Tuy chỉ chiếm hơn 8% dân số (577,2 triệu người) và 14,7% diện tích của thế giới (21,5 triệu km2), nhưng Mỹ Latin có nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và đa dạng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng trữ lượng của thế giới như: bạc (31%), đồng (28%), than đá (27%), diện tích rừng (25%), dầu lửa (24%), niken (24%), bauxite (17%), thiếc (16%), sắt (14%), uranium (5%)...
Nhiều nước Mỹ Latin, với ba nền kinh tế đầu tàu là Brazil, Mexico và Argentina- thành viên Nhóm G20, đạt trình độ khá cao trong nhiều lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, năng lượng (thủy điện, điện gió) khai thác khoáng sản, công nghệ cao, công nghệ và nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến nông-lâm-hải sản …
Những năm gần đây, kinh tế Mỹ Latin đã có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, cùng với Châu Á, được đánh giá là những điểm sáng về tăng trưởng của kinh tế thế giới. GDP của toàn khu vực đạt mức tăng trưởng bình quân 5,3% năm giai đoạn 2006-2010 so với mức 2,4% của giai đoạn 2000-2005. Nổi bật là mức tăng trưởng của một số nước như Argentina đạt 9% (2010), Colombia 5% (2010) và Chile 5,3% (2010).
Riêng năm 2011 vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, kinh tế Mỹ Latin vẫn đạt mức tăng trưởng GDP khá cao 4,3%. Tổng giá trị GDP lên đến hơn 6.006 tỷ USD, GDP đầu người đạt 9.308 USD. Kim ngạch xuất khẩu trên 1.000 tỷ, thu hút FDI đạt mức kỷ lục 130 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2010.
Cùng với sự phát triển đi lên của toàn khu vực, một số nền kinh tế lớn ở Mỹ Latin như Argentina, Chile, Brazil, Mexico, Uruguay… đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Trong đó, nổi bật là Brazil trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 và Mexico thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới với tổng giá trị GDP năm 2011 tương ứng là 2.294 tỷ USD và 1.661 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong 5-10 năm tới, kinh tế Mỹ Latin sẽ duy trì mức tăng trưởng GDP 4 - 6% năm, lạm phát và thất nghiệp được duy trì ở mức một con số.
Bích Diệp