Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM:

Kiều hối dùng xây nhà, mua xe nhưng để sản xuất kinh doanh thì tốt hơn

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng cần nắn dòng kiều hối vào sản xuất kinh doanh để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế hoặc đổ vào đầu tư hạ tầng thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ.

Đề xuất dùng kiều hối vào sản xuất kinh doanh

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TPHCM - cho rằng nên khuyến khích sử dụng nguồn kiều hối vào phát triển sản xuất kinh doanh. Ý kiến được ông nêu ra tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng nay (23/4).

Kiều hối là số tiền ngoại tệ của kiều bào, của người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về. Bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, từ tích lũy của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước.

Ông Lệnh chỉ ra nguồn kiều hối này được sử dụng vào các mục đích khác nhau như tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa, mua xe, mua trang thiết bị sinh hoạt và tiêu dùng... hoặc đầu tư kinh doanh, đưa vào sản xuất trực tiếp, gửi tiền tiết kiệm…Những việc này đều mang lại lợi ích và qua đó góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, theo ông, ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối này được tập trung và sử dụng hiệu quả thì sẽ thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều.

Đại diện NHNN khuyến khích người dân sử dụng nguồn kiều hối vào phát triển sản xuất kinh doanh, vào lĩnh vực mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong đó, sự phát triển của thị trường hàng hóa, bất động sản; sự phát triển du lịch dịch vụ tại khu vực đô thị và sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn…sẽ là môi trường thuận lợi để sử dụng hiệu quả nguồn vốn kiều hối.

Để tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi để kiều bào tham gia, ông đề nghị các giải pháp cụ thể và hình thức đầu tư cụ thể như tham gia góp vốn vào các hợp tác xã, doanh nghiệp; mua trái phiếu địa phương; mua nhà ở và đầu tư kinh doanh trên thị trường tài chính… Những hoạt động này không mới, song cần có định hướng, hướng dẫn và thông tin cụ thể.

Kiều hối dùng xây nhà, mua xe nhưng để sản xuất kinh doanh thì tốt hơn - 1

Nhiều ý kiến đề xuất nắn dòng kiều hối vào hạ tầng giao thông, thay vì tiêu dùng đơn thuần (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Đề xuất nắn dòng kiều hối vào phát triển hạ tầng

Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nói TPHCM đang trong giai đoạn thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho TPHCM hơn 33.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố là 142.500 tỷ đồng.

Riêng năm 2024, TPHCM được giao vốn đầu tư công là 79.000 tỷ đồng. Con số này xét về nhiệm vụ giải ngân là rất lớn, kỷ lục trong công tác đầu tư công. Nhưng nếu so với nhu cầu đầu tư thực tế thì cũng chưa đáp ứng hết được.

Phó chủ tịch TPHCM cho rằng kiều hối là một nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa trong những năm qua. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần FDI.

"Nếu có thể phát huy tốt nguồn lực kiều hối, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM", ông Cường nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính Bất động sản Toàn Cầu - nói kiều hối đổ về Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng trong nước và đầu tư vào các lãnh vực bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp.

Kiều hối không được sử dụng để tài trợ và phát triển hạ tầng cơ sở tại Việt Nam, trong khi hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường bộ và các cơ sở hạ tầng khác ngày một xuống cấp. Một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển TPHCM cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.

Ông Hiếu đề xuất TPHCM có thể nghiên cứu phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất trái phiếu chính phủ cùng điều kiện và thời hạn cộng 2%. Thời hạn ngắn hạn là 12 tháng, trung hạn là 2-3 năm, dài hạn là 4-10 năm. Nguồn trả nợ là Ngân sách thành phố.

Tiền thu về từ việc bán trái phiếu được sử dụng cho các dự án hạ tầng cơ sở của thành phố. Phát hành trái phiếu đầu năm 2025. Ông Hiếu dự đoán khả năng phát hành trái phiếu để tài trợ các dự án trọng điểm của TPHCM thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD.

Tại tọa đàm, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - nói TPHCM có liên hệ với khoảng 50% người Việt Nam ở nước ngoài trên tổng số khoảng 5,8 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

TPHCM là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Kiều hối về TPHCM hàng năm luôn chiếm 38-53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam. Mức tăng trung bình 3-7%/năm, riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng kiều hối đạt 43,3% so với năm trước.

Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM công bố trong quý I, kiều hối chuyển về TP HCM đạt 2,8 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý cuối năm trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao nhất trong 3 năm gần đây, dự báo tiếp tục gia tăng vào thời gian tới.