Kienlongbank không được chấp thuận dùng tên KSBank

An Hạ

(Dân trí) - Do không được chấp thuận dùng tên mới KSBank nên thời gian tới ngân hàng này vẫn dùng tên viết tắt cũ là Kienlongbank.

Ngày 28/12, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, mã chứng khoán: KLB) sẽ tổ chức phiên họp đại hội cổ đông bất thường. Theo tờ trình mà ngân hàng công bố trước thềm cuộc họp, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông chấm dứt việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh từ Kienlongbank thành KSBank, do Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận việc đổi tên này. 

Do không được chấp thuận dùng tên mới nên thời gian tới ngân hàng này vẫn dùng tên viết tắt cũ là Kienlongbank.

Trước đó, ngày 14/7, đại hội đồng cổ đông ngân hàng này đã thông qua Nghị quyết số 03 về việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của Kienlongbank là KSBank.

"Như vậy, đối với nội dung thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của Kienlongbank đã được đại hội đồng cổ đông thông qua tại Nghị quyết 03 về mặt thực tế chưa triển khai được do chưa đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước", tờ trình nêu rõ.

Hồi đầu năm, thị trường cũng đã có những đồn đoán xung quanh việc đổi tên của Kienlongbank. Sự xuất hiện của logo KSBank trên tòa nhà Sunshine diễn ra gần như cùng với thời điểm CEO Sunshine Group là bà Trần Thị Thu Hằng tham gia HĐQT của Kienlongbank và được bầu giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT. 

Trong tháng 4, Kienlongbank đã chính thức công bố việc chuyển địa điểm trụ sở hoạt động của 3 phòng giao dịch tại Hà Nội sang các địa điểm dự án Sunshine. Thời điểm đó, ban lãnh đạo cho biết việc đổi tên viết tắt giúp ngân hàng truyền tải thông điệp rõ ràng và phù hợp với mục tiêu số hóa trong giai đoạn mới. "K" trong KSBank là đại diện cho từ Kiên Long, còn "S" là biểu tượng bản đồ Việt Nam.

Kienlongbank là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với vốn điều lệ chỉ nhỉnh hơn vốn pháp định (3.000 tỷ đồng). Đầu tháng 9, ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 3.653 tỷ đồng.

Thời gian qua, ngân hàng này thu hút sự chú ý với hàng loạt thương vụ thỏa thuận mua bán cổ phiếu với khối lượng lớn.