Chủ tịch, CEO 8X và sự xuất hiện của tỷ phú USD trên sàn tại Kienlongbank
(Dân trí) - Thay đổi tổng giám đốc là sự kiện nối tiếp chuỗi biến động nhân sự thượng tầng diễn ra tại Kienlongbank từ đầu năm nay sau khi nhóm cổ đông Sunshine xuất hiện.
Người Sunshine nắm những vị trí chủ chốt
"Thay đổi nhân sự" là nội dung xuất hiện nhiều nhất trong mục công bố thông tin của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, mã chứng khoán: KLB) từ đầu năm đến nay. Gần đây nhất, nhà băng này cũng đã thay đổi chức danh Tổng Giám đốc từ bà Trần Tuấn Anh sang ông Trần Ngọc Minh (sinh năm 1984).
Tương tự những nhân vật chủ chốt được bổ nhiệm gần đây, quyền Tổng Giám đốc Kienlongbank cũng từng giữ nhiều chức vụ tại Sunshine. Trước khi tham gia Kienlongbank với chức vụ Phó Tổng Giám đốc vào đầu năm nay, ông Minh từng là Giám đốc Nguồn vốn kiêm Trưởng ban Tài chính của Tập đoàn Sunshine.
Những biến động nhân sự lãnh đạo, điều hành tại Kienlongbank bắt đầu từ đầu năm. Không lâu trước đó, trong tháng 11-12/2020, hàng loạt giao dịch thỏa thuận lượng lớn cổ phiếu KLB trên sàn UPCoM xuất hiện.
Trong khi khối lượng giao dịch khớp lệnh thời gian đó hiếm khi vượt quá 100.000 đơn vị/phiên, hàng chục triệu cổ phiếu KLB lại được sang tay theo hình thức thỏa thuận trong nhiều ngày liên tục. Tuy nhiên, đến nay, vẫn không có một cá nhân, tổ chức nào có tỷ lệ sở hữu trên 5% cổ phần để xuất hiện chính thức với vai trò cổ đông lớn tại Kienlongbank.
Ngay trước Tết Nguyên đán, Tổng giám đốc Sunshine Trần Thị Thu Hằng (sinh năm 1985) trở thành Phó Chủ tịch HĐQT Kienlongbank. Còn ông Lê Hồng Phương, cựu CEO ngân hàng NCB, được bầu làm Chủ tịch Kienlongbank.
Nhưng chỉ 3 tháng sau, đến tháng 5, chính bà Hằng được bổ nhiệm làm Chủ tịch mới của nhà băng này thay cho ông Phương. Cựu CEO ngân hàng NCB cũng rút khỏi HĐQT Kienlongbank.
Đến cuối tháng 9 vừa qua, ông chủ Tập đoàn Sunshine Đỗ Anh Tuấn chính thức hiện diện tại Kienlongbank với vai trò Phó Tổng giám đốc. Cá nhân ông Tuấn sở hữu 3,8% vốn Kienlongbank còn bà Hằng nắm giữ 4,7% vốn điều lệ ngân hàng.
Sinh năm 1975, ông Tuấn vừa trở thành tỷ phú USD trẻ nhất trên sàn chứng khoán sau khi hai công ty Sunshine Homes và KSFinance lần lượt lên sàn. Giá trị tổng số cổ phiếu trên sàn của đại gia 46 tuổi này ước tính hơn 29.600 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).
Sau khi những nhân tố Sunshine xuất hiện, Kienlongbank cũng đã quyết định đổi tên viết tắt tiếng Anh thành KSBank, tương tự nhóm công ty KS trong mảng tài chính của Sunshine.
Cũng từ thời điểm nhóm Sunshine tham gia, Kienlongbank còn chứng kiến nhiều biến động nhân sự khác trong ban điều hành, HĐQT ngoài các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Lợi nhuận tăng vọt sau khi xử lý 176 triệu cổ phiếu Sacombank
Thành lập năm 1995, Kienlongbank hiện là một trong những ngân hàng thương mại nhỏ nhất trong hệ thống. Trước khi đón nhóm cổ đông Sunshine, Kienlongbank chủ yếu được nhắc đến cùng với ông bầu bóng đá nổi tiếng một thời Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm.
Ông Thắng từng có thời gian dài làm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank này trước khi từ nhiệm vào năm 2018 để đảm bảo quy định chủ tịch ngân hàng không được đồng thời giữ chức vụ lãnh đạo tại một doanh nghiệp khác. Sau khi từ nhiệm, bầu Thắng vẫn hiện diện tại Kienlongbank với vai trò cố vấn.
Đầu năm nay, con trai bầu Thắng là ông Võ Quốc Lợi cũng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Kienlongbank, cùng thời điểm tân CEO Trần Ngọc Minh tham gia ngân hàng. Cá nhân ông Lợi sở hữu 4,7% vốn điều lệ ngân hàng. Cộng thêm cổ phần của các công ty thuộc Đồng Tâm, nhóm cổ đông nhà bầu Thắng nắm giữ tổng cộng 9,4% vốn Kienlongbank.
Là một ngân hàng nhỏ, quy mô tổng tài sản lẫn lợi nhuận của Kienlongbank nhiều năm qua đều ở mức khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giai đoạn 2017-2020 chưa bao giờ vượt quá 300 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2020 mới hơn 57.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm nay, lợi nhuận của ngân hàng tăng vọt. Sau 9 tháng, lãi trước thuế của Kienlongbank đã đạt 879 tỷ đồng, tăng 5 lần so với cùng kỳ 2020. Nhà băng này đang trên đường hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Khoản lãi đột biến của Kienlongbank không phải đến từ sự tăng trưởng của các hoạt động cốt lõi mà do trong quý I, ngân hàng đã hoàn tất việc bán toàn bộ 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank vốn là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ tồn đọng nhiều năm luôn khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn, qua đó hoàn thành việc thu hồi nợ gốc lẫn lãi phải thu. Sau khi xử lý dứt điểm khối tài sản đảm bảo trên, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank cũng giảm mạnh từ mức trên 5% vào cuối năm 2020 xuống dưới 2% hiện tại.
Từ chỗ phải hạ giá cổ phiếu STB vào đầu năm 2020 nhưng vẫn không bán được do giá gốc để thu hồi nợ cao gấp đôi giá giao dịch trên sàn chứng khoán thời điểm đó, Kienlongbank đã hoàn thành xử lý việc bán toàn bộ lô cổ phiếu của Sacombank nói trên khi đến đầu năm nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng, bao gồm STB đều tăng mạnh sau một năm.
Còn về KLB, thị giá cổ phiếu sau giai đoạn tăng mạnh từ vùng giá quanh 12.000 đồng vào tháng 10/2020 lên gần 30.000 đồng vào cuối tháng 5 đã điều chỉnh, 3 tháng gần đây chủ yếu dao động trong vùng 22.000 - 24.000 đồng/cổ phiếu.