Long An:
Kiến nghị giảm tiền điện cho nhà máy chế biến thanh long vì Covid-19
(Dân trí) - Trước tình trạng hàng ngàn tấn thanh long có nguy cơ "ế" vì không thể xuất qua Trung Quốc, UBND tỉnh Long An kiến nghị giảm giá điện để kích cầu tiêu thụ.
Vừa qua, UBND tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ nhằm hỗ trợ tiền điện kho lạnh cho các doanh nghiệp chế biến thanh long. Hiện các kho lạnh chứa thanh long của các doanh nghiệp đều đang cố gắng thu mua thanh long hỗ trợ người dân khi không thể xuất khẩu. Theo như kiến nghị, UBND tỉnh Long An mong Chính phủ hỗ trợ giá điện sản xuất tại các kho lạnh tính bằng giá điện sinh hoạt từ nay đến cuối tháng 3/2020.
Tiếp đó, UBND tỉnh Long An cũng mong Chính phủ xem xét, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu thanh long với mức ưu đãi trong thời gian 6 tháng.
Để giải quyết vấn đề "ế" thanh long và tránh tình trạng "giải cứu" như năm nay, Long An cũng mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Trung tâm phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro. Đặc biệt là việc tìm kiếm thêm các thị trường ngoài Trung Quốc để nguồn xuất khẩu được ổn định.
Long An cũng mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Khi có thông tin đầy đủ, Long An sẽ kịp thời điều tiết, đồng thời tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản.
Hiện Long An là một trong ba địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước với hơn 11.700 ha và gần 310.000 tấn mỗi năm. Tuy vậy, việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (khoảng 80%) đã khiến người dân nơi đây lao đao nhiều năm qua. Năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Trung Quốc hạn chế nhập hàng khiến giá thanh long ở Long An rớt từ 40.000 đồng/kg xuống 7000 đồng/kg. Việc rớt giá thê thảm khiến nông dân có nguy cơ vỡ nợ vì không đủ tiền thuê nhân công, phân bón...
Không chỉ riêng thanh long, các nông sản khác như dưa hấu, sầu riêng ở Long An cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hiện hàng hàng tấn dưa hấu không thể bán được dù giá đã xuống ở mức 5000 đồng/kg. Nhiều địa phương đã chung tay cùng Long An giải cứu nhưng do nông sản đang đến mùa thu hoạch nên sản lượng tồn ứ còn quá nhiều.
Theo các chuyên gia kinh tế, thực trạng ở Long An hiện nay là thực trạng chung của nền nông nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân do bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thiếu tính bền vững, chưa đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ. Mặt khác, việc quy hoạch vùng sản xuất cũng chưa chặt chẽ nên nhiều địa phương ồ ạt trồng thanh long.
Theo ông Trương Quang An (nông dân trồng thanh long tại Long An). Hiện thanh long ruột đỏ hầu như chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc. Thanh long ruột trắng rất được các thị trường Mỹ, Nhật... ưa chuộng nhưng đòi hỏi một quy trình sản xuất khép kín. Do giá thanh long ruột đỏ được giá nên thời gian qua người dân đã phá bỏ thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Phạm Văn Cảnh, toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp chế biến nông sản. Tuy vậy, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa thực hiện được, dẫn đến việc tiêu thụ nông sản trong công nghiệp chế biến còn hạn chế. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung huy động các doanh nghiệp tập trung sản xuất nông sản xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế để tăng giá trị.
Xuân Hinh