Kiểm tra, thanh tra thuế: “Đi hàng ngày trời chẳng lẽ về không?”
(Dân trí) - “Nhiều doanh nghiệp phải cố tình để dành một phần nào đấy tuân thủ không đúng pháp luật thuế để khi cơ quan thuế vào kiểm tra có tiền mà thu. Chả nhẽ đi mấy ngày mà bây giờ đi về không có số thu nào báo cáo với lãnh đạo?” – Đây là một thực tế mà bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam phản ánh.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn nhiều nhức nhối
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến Bộ chỉ tiêu đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế tổ chức sáng nay (19/5/2016), bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm 42 năm công tác trong ngành thuế và phải trực tiếp tham gia kiểm tra rất nhiều, bà cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra hiện đang rất nhức nhối.
Liên quan đến quản lý, đánh giá rủi ro về thuế, bà Cúc nhận xét, hiện có hai nhóm doanh nghiệp (DN): có những DN lợi dụng cơ chế hoàn thuế để gian lận đủ các kiểu như mua hóa đơn chứng từ, làm hai hợp đồng, hợp đồng giả, chuyển giá để gian lận về thuế.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một số DN rất mong muốn được hạch toán, kế toán đúng, hướng đến sự minh bạch và trong sạch, không gian lận về thuế và không bị xử phạt. Do đó, vấn đề đặt ra, theo bà Cúc là phải tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chấp hành tốt về thuế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia về thuế cũng nêu ra một thực tế, khi thanh tra, kiểm tra những đơn vị chuyển giá, gian lận hoàn thuế, đương nhiên sẽ có số thu nhiều, nhưng với những đơn vị chấp hành tốt thì không có số thu.
“Tôi nói thực là DN không biết làm như thế nào. Họ phải cố tình để dành một phần nào đấy làm sai để khi cơ quan thuế vào kiểm tra có tiền mà thu. Chứ không cơ quan thuế vào kiểm tra mà làm tốt cả, đội kiểm tra không có tiền đưa về có khi lại bị đánh giá là làm không tốt. Chả nhẽ đi mấy ngày mà bây giờ đi về không có số thu nào báo cáo với lãnh đạo?”, bà Cúc thẳng thắn chia sẻ tại hội thảo.
Do đó, bà Cúc đề nghị, trong thanh tra, kiểm tra cần đưa ra hai tiêu chí: Các DN làm sai chính sách thì phải xử lý nghiêm nhưng với nhóm những DN làm tốt thì phải được tuyên dương và tôn vinh. DN tuân thủ tốt chứng tỏ cơ quan thuế làm tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ.
Trong khi đó, “có những DN nhiều năm liền không bị truy thu gì nhưng cơ quan thuế có khi lại thấy buồn”, bà Cúc phản ánh.
Phân loại doanh nghiệp để giảm chi phí thủ tục hành chính
Ngoài ra, bà Cúc cũng cho biết, trong kiểm tra thanh tra thuế vẫn có nhiều tồn tại, dường như ai cũng có thể kiểm tra DN, từ Cục Thuế, Chi cục Thuế, Thanh tra tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Công an kinh tế, Cảnh sát kinh tế… đâu cũng nhằm vào DN.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị, các bên phải sử dụng kết quả của nhau, trong lĩnh vực thuế, nếu thanh tra thuế làm sai thì cán bộ thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cùng ý kiến với bà Nguyễn Thị Cúc, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng bây giờ là các DN càng lớn, càng tuân thủ tốt pháp luật về thuế thì càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều.
Lý do theo ông Thanh là vì các cơ quan, đơn vị ở dưới thích thành tích để báo cáo. Trong khi đó, những DN tuân thủ pháp luật không tốt thì lại có những hình thức “đi đêm” riêng và ít khi bị kiểm tra.
Ông Thanh cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo Bộ chỉ tiêu cần lấy ý kiến DN nhiều hơn, lắng nghe và thấu hiểu DN. Trong khi đó, các DN cũng phải có trách nhiệm với bản thân mình, không thể để lặp lại tình trạng khi lấy ý kiến thì DN thờ ở nhưng khi ban hành chính sách lại kêu ca “chính sách ở trên trời”.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mục đích của việc đưa ra Bộ chỉ tiêu lần này là để phân loại DN, hỗ trợ các DN thực hiện tốt sẽ đỡ gặp phiền hà trong thanh tra, kiểm tra thuế, trong thủ tục hành chính - tương tự như các DN được phân luồng xanh trong thông quan hàng hóa tại Hải quan.
“Bây giờ mới mấy trăm nghìn DN, nhưng mấy năm sau khi số lượng DN lên đến 1 triệu, 2 triệu DN thì Tổng cục Thuế không thể chạy theo đó để tăng số lượng biên chế lên. Như vậy cũng sẽ không thể đạt được hiệu quả và dễ phát sinh tiêu cực”, ông Tuấn cho hay.
Về Bộ chỉ tiêu đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, ông Bùi Khánh Toàn - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, Trưởng Ban quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Thuế cho biết, đây là lần lấy ý kiến đầu tiên. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục mở rộng lấy ý kiến và lắng nghe phản hồi các bên để xây dựng Bộ chỉ tiêu hoàn thiện.
Bích Diệp