1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiểm toán Nhà nước lên tiếng về ngân hàng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro

Mộc An

(Dân trí) - Các nội dung về kiểm toán Ngân hàng Nhà nước làm nóng hội trường cuộc họp báo do Kiểm toán Nhà nước tổ chức chiều ngày 2/7.

Chiều ngày 2/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo công bố Báo cáo tóm tắt Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023, kết quả theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022.

Kiến nghị cảnh báo về ngân hàng yếu kém

Một trong những vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được Kiểm toán Nhà nước đề cập đến là hiện tượng ngân hàng thương mại yếu kém, tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Chia sẻ rõ hơn về thông tin này, ông Vũ Mạnh Cường, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII phụ trách lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho biết Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không kiểm toán các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tuy nhiên thông qua công tác kiểm toán cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo cáo của các cơ quan thanh tra, KTNN đã có kiến nghị về nội dung NHTMCP tư nhân tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng an toàn hệ thống.

Cụ thể, KTNN kiến nghị NHNN trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra biện pháp, giải pháp can thiệp phù hợp với các quy định pháp luật, không để thất thoát, mất mát tài sản Nhà nước và nhân dân, bảo đảm an toàn ổn định hệ thống ngân hàng.

Công cụ room tín dụng có đạt hiệu quả?

Hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ như room tín dụng, lãi suất cũng là vấn đề nóng khác được dư luận quan tâm, đặc biệt là sau giai đoạn dịch Covid-19.

Ông Vũ Mạnh Cường cho biết đây là nội dung về kiểm toán điều hành chính sách tiền tệ nằm trong báo cáo kiểm toán NHNN năm 2022.

Năm 2022 nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, để đảm bảo được hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Quốc hội đã ra Nghị quyết 43 với nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các nội dung về hỗ trợ nguồn vốn.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 để triển khai Nghị quyết 43. NHNN ra thông tư hướng dẫn với các nội dung về điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo linh hoạt, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ông Cường đánh giá NHNN rất linh hoạt và thực hiện được nhiều mục tiêu. Ví dụ mặc dù lạm phát tại các nước tăng cao nhưng đến tháng 9/2022, NHNN vẫn giữ mức lãi suất ổn định. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tháng 9 và tháng 10/2022, NHNN buộc phải tăng lãi suất.

"Để đạt mục tiêu kép trong bối cảnh đó rất khó khăn. Lúc đó, NHNN phải chọn mục tiêu nào phù hợp nhất để thực hiện", đại diện Kiểm toán Nhà nước giải thích.

Về room tín dụng, mục tiêu năm 2022 đạt mức 15% sau khi tổng kết thực hiện được 14,1%. Ông Cường cho rằng thời điểm đấy NHNN đã làm rất tốt để đạt mục tiêu này.

Đại diện KTNN đánh giá NHNN đã có rất nhiều biện pháp hữu hiệu tuy nhiên để đạt được kết quả đồng bộ như Nghị quyết 43 đề ra thì chưa hoàn toàn thực hiện được.

"Đánh giá kết quả kiểm toán năm 2022 về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao", ông Cường trả lời.

Kiểm toán Nhà nước lên tiếng về ngân hàng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro - 1

Ông Vũ Mạnh Cường - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII (Ảnh: KTNN).

Gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp

Ngoài nội dung về hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, công tác thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của NHNN cũng được đặt ra cho Kiểm toán Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng gói có mục tiêu tốt nhưng các tiêu chí tiếp cận đưa ra khiến doanh nghiệp nản lòng.

Ông Cường cho biết trong Nghị quyết 43 có nội dung hỗ trợ cấp bù lãi suất của Ngân hàng chính sách xã hội là 5.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại 40.000 tỷ đồng. Đây là chính sách rất lớn của Đảng, Nhà nước tuy nhiên khi triển khai không phải dễ.

"Các NHTM rất tâm huyết với việc cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng bản thân doanh nghiệp có đáp ứng được các yêu cầu, có hấp thụ được hay không cũng là vấn đề lớn. Ai hấp thụ được thì mới đi vay. Đối tượng thì có nhưng không phải tất cả đều hấp thụ được vốn", ông Cường trả lời.

Vì vậy kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất rất thấp, không đạt được như kỳ vọng của Quốc hội. Ví dụ năm 2022 chỉ đạt được 132 tỷ đồng so với mức được giao là 16.000 tỷ đồng, tương đương 0,84%. Đến năm 2023, giải ngân được 1200 tỷ đồng, tương đương 3,5%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm