1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn nêu trăn trở về khó khăn lớn nhất của ngành

Ninh An

(Dân trí) - Tổng Kiểm toán cho biết điều khó khăn nhất trong quá trình triển khai nhiệm vụ là truy cập và chia sẻ thông tin lẫn nhau giữa các cơ quan.

Tại nghị trường Quốc hội ngày 5/6, một số đại biểu hỏi Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn về giải pháp hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.

Đại biểu: Có sự chồng chéo về đối tượng thanh tra?

Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đặt câu hỏi, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký kết phối hợp giữa 2 cơ quan nhằm hạn chế trùng lặp chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy từ năm 2020 đến nay có tình trạng chồng chéo về đối tượng giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra liên ngành, Thanh tra địa phương vẫn diễn ra.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cũng nêu tình trạng tương tự. Các đại biểu đặt câu hỏi cho Tổng Kiểm toán Nhà nước giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tình trạng này để tiết kiệm được thời gian và nguồn lực.

Trả lời đại biểu Lan, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết theo quy định của Luật Thanh tra Chính phủ và trên cơ sở báo cáo, kế hoạch kiểm toán đã được thống nhất với Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ ngành và địa phương xây dựng kế hoạch để hạn chế việc chồng chéo, trùng lặp. 

Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, xử lý chồng chéo, chồng lấn ngay trong quá trình lập kế hoạch. Đồng thời, quy định khi phát hiện chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra thì Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý.

Đặc biệt, trong Luật Thanh tra sửa đổi năm 2022 mới được Quốc hội thông qua, có rất nhiều quy định về việc xử lý, hạn chế về chồng chéo thanh tra và kiểm toán. 

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn nêu trăn trở về khó khăn lớn nhất của ngành - 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước trả lời chất vấn sáng 5/6 (Ảnh: Như Ý).

Thực tế trong những năm vừa qua, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ. Từ năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã có quy chế phối hợp số 1618, quy định cụ thể 5 nhóm việc hạn chế chồng chéo trong thanh tra và kiểm toán. 

Thứ nhất là trong khâu lập kế hoạch. Hàng năm, trước 31/7, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng xong kế hoạch kiểm toán cho năm tiếp theo, gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan. Từ đó, kiểm toán hoàn thiện kế hoạch trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, địa phương và gửi cho Thanh tra Chính phủ. Ban cán sự 2 bên họp và rà soát, tránh chồng chéo trong quá trình lên kế hoạch.

Thứ hai, xử lý khi có chồng lấn giữa kiểm toán và thanh tra. Nguyên tắc là ưu tiên đơn vị nào làm trước, đang triển khai thì tiếp tục làm. Cung cấp tài liệu cho đơn vị đến sau, không làm giảm chất lượng thanh tra hoặc kiểm toán. 

Thứ ba, phối hợp trong việc chia sẻ dữ liệu. Tận dụng kết quả của hai bên, làm giảm thời gian.

Thứ tư, phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kết luận của kiểm toán và kết luận của thanh tra. 

Thứ năm, phối hợp trong việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ, đạo đức công vụ của thanh tra và kiểm toán viên.

Khó khăn nhất là chia sẻ thông tin lẫn nhau 

Trong phần trả lời đại biểu Nguyễn Tiến Nam, ông Tuấn cho biết chiến lược chất lượng kiểm toán đến năm 2030 đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua thì có 3 trụ cột. Thứ nhất là hoàn thiện cơ chế chính sách. Thứ hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số của ngành đến năm 2030. Cơ quan này đang triển khai hoàn thiện hạ tầng CNTT và tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. 

Tuy nhiên ông Tuấn cho biết, thực tế việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan cũng là trăn trở của ngành kiểm toán.

"Báo cáo Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội hiện nay cái khó khăn nhất chính là truy cập và chia sẻ thông tin lẫn nhau giữa các cơ quan. Mặc dù điều này đã được quy định trong Luật kiểm toán là Kiểm toán Nhà nước có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán nhưng hiện nay rất khó", ông Tuấn trả lời thẳng thắn.

Trong khi đó việc kết nối chia sẻ dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả rất lớn. Ông Tuấn lấy ví dụ trong thời kỳ Covid năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành được một cuộc kiểm toán trực tuyến đối với Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam. Ông Tuấn kỳ vọng trong thời gian tới cùng với việc triển khai Đề án 06, việc chuyển đổi số của Kiểm toán Nhà nước sẽ được thuận lợi hơn.