Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt yếu kém của các "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước
(Dân trí) - Báo cáo kết luận trong năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, khối doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục để tồn tại những yếu kém như: Làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả gây mất vốn, nợ lần nhiều.
Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), công ty.
Theo báo cáo kết luận, năm 2014, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, còn nhiều bất ổn và biến động phức tạp. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao đã gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh nên hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút.
Có 5 trên tổng số 38 Tập đoàn, Tổng công ty làm ăn thua lỗ, trong đó Vinalines lỗ 3.478 tỷ đồng, TCT15 lỗ 471 tỷ đồng, Vinaincon 131,96 tỷ đồng; TCT Mía đường II lỗ 15,18 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk 2,95 tỷ đồng. 33 doanh nghiệp còn lại kinh doanh có lãi và bảo toàn được vốn.
Báo cáo KTNN cũng chỉ ra rằng, nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; Công ty Siêu thị Hà Nội thuộc Công ty mẹ Hapro chưa xử lý tài sản thiếu từ lâu 3,4 tỷ đồng.
Một số TĐ, TCT sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định; bên cạnh một số đơn vị đầu tư tài chính có hiệu quả, còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; vốn góp của các đơn vị vào nhiều doanh nghiệp khác có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể;
Trong số các DNNN, các đơn vị đầu tư kém hiệu quả có thể kể tới như: Vinalines có 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% vốn đầu tư; Hay với Công ty mẹ - COMA, lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con bằng 1,05% vốn đầu tư, trong đó 6/10 công ty con thua lỗ (4 công ty mất vốn chủ sở hữu); lợi nhuận được chia từ công ty liên kết bằng 1,8% vốn đầu tư (trong đó 1/4 công ty liên kết thua lỗ).
Báo cáo KTNN cũng chỉ ra trường hợp đầu tư kém hiệu quả tại “ông lớn” EVN khi nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2014 chỉ bằng 0,75% tổng giá trị đầu tư dài hạn; PVN: Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Tổng công ty Dầu Việt Nam, năm 2014 cũng phải trích lập dự phòng 1.915 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...
Hầu hết các TĐ, TCT có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ; một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư; việc triển khai dự án đầu tư còn tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Trong đó, bao gồm hàng loạt dự án thuộc các đơn vị thành viên của Vinalines, Habeco, ACV, IDICO, TCT Bến Thành,CC1, TCT Đầu tư phát triển nhà và đô thị...
Hoạt động kinh doanh của nhiều TĐ, TCT chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Hầu hết các TĐ, TCT phản ánh không đúng doanh thu, chi phí…
Trong số doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, điển hình nhất các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)... Công ty mẹ COMA cũng có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu...
Một số đơn vị lỗ và đã tính đến phương án giải thể như Công ty Bất động sản Bến Thành Đức Khải, Công ty liên doanh Trung tâm thương mại chợ Ngã Tư Sở ngừng hoạt động từ tháng 8/2013, Công ty Đầu tư xây dựng phát triển thương mại ngừng hoạt động từ năm 2009...
Phương Dung