Kiểm toán 3 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam, lộ nhiều bất cập
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế; phân bổ vốn; tiến độ và nghiệm thu thanh toán ở một số gói thầu cao tốc Bắc - Nam.
3 dự án thành phần được kiểm toán nêu trên là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Đoạn Nha Trang - Cam Lâm; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Cuộc kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư này diễn ra từ 6/6 đến 30/7 năm nay.
Cơ quan kiểm toán đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư công trình, một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể theo Kiểm toán Nhà nước, dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Dự án 1); đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dự án 2); đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án 3) thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Những dự án này lớn, quan trọng của quốc gia. Trong đó, dự án 1 được đầu tư theo hình thức đầu tư công, còn 2 và 3 đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tổng số kiến nghị xử lý tài chính được cơ quan kiểm toán đưa ra đối với 3 dự án là gần 22,1 tỷ đồng, trong đó với dự án 1 là 17,8 tỷ đồng; dự án 2 là hơn 2,3 tỷ đồng và dự án 3 là 1,7 tỷ đồng.
Tổng số kiến nghị xử lý khác được KTNN xác định là gần 36,2 tỷ đồng, trong đó với dự án 1 là 16,4 tỷ đồng và dự án 3 là 19,8 tỷ đồng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tại dự án 2 và 3, đoàn Kiểm toán chỉ kiểm toán phần vốn góp của Nhà nước trong dự án BOT, không kiểm toán phần vốn thực hiện dự án BOT của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT.
Nhiều bất cập trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư công trình
Qua kiểm toán, cơ quan kiểm toán cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế; công tác dự toán; việc phân bổ vốn; tiến độ dự án và nghiệm thu, thanh toán các gói thầu…
Cụ thể, công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế cả 3 dự án còn tồn tại trong việc thiết kế mặt cắt ngang đường bề rộng nền 17m theo Quyết định số 5109 có chiều rộng dải an toàn lề ngoài hai bên chưa phù hợp với quy định tại Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012; chưa đánh giá mức độ nguy hiểm để lựa chọn chiều cao dải phân cách, cấp lan can phòng hộ phù hợp để tận dụng tại giai đoạn hoàn thiện.
Ở dự án 1, chưa thỏa thuận xây dựng trạm biến áp và đường dây (trước công tơ) để cấp điện cho các hệ thống điện, chiếu sáng giao thông của dự án, chưa nghiên cứu phương án tận dụng tối đa vật liệu đá cấp 4 đào nền đường trong quá trình triển khai dự án…
Trong khi đó ở dự án 2 và 3, việc đầu tư xây dựng các trạm thu phí bao gồm 1 làn thu phí một dừng chưa phù hợp theo quy định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Công tác dự toán còn tồn tại một số sai sót về khối lượng, định mức đơn giá làm tăng dự toán gần 169,9 tỷ đồng. Trong đó, dự án 1 là 29,42 tỷ đồng, dự án 2 là 21,13 tỷ đồng, dự án 3 là 119,3 tỷ đồng. Kết quả so sánh giá gói thầu sau kiểm toán một số gói thầu thuộc dự án 1 thấp hơn giá trúng thầu.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, các chuyên gia của tổ chuyên gia đấu thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh và Ban QLDA 85 thành lập chỉ có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu xây lắp và tư vấn, chưa có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tại dự án 2, có tình trạng phân bổ vốn hỗ trợ một phần chi phí xây dựng vào chi phí thiết bị; còn ở dự án 3 thì phân bổ vốn hỗ trợ một phần chi phí xây dựng vào cả chi phí thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác. Ở cả 2 dự án này, khi thanh toán hợp đồng BOT, chi phí dự phòng được phân bổ vào đơn giá các hạng mục là chưa phù hợp với hồ sơ mời thầu, hồ sơ đấu thầu.
Về tiến độ, ở dự án 2 đã chậm 20 tháng và chậm 15 tháng ở dự án 3 so với Quyết định phê duyệt dự án.
Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thanh toán các gói thầu còn một số tồn tại, sai sót trong việc tính toán khối lượng nghiệm thu, chưa đủ điều kiện để kiểm toán xác nhận chi phí một số hạng mục do chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục làm căn cứ xác định giá trị 325 tỷ đồng…
Kiểm toán kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông báo cáo nhiều nội dung
Cơ quan kiểm toán cũng đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện dự án. Theo đó, ở dự án 2 và 3 chưa có hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế đối với phần đầu tư của Nhà nước tham gia dự án PPP; chưa có quy định về việc xuất hóa đơn GTGT khi doanh nghiệp dự án thực hiện nghiệm thu thanh toán phần vốn góp Nhà nước trong dự án BOT, chưa có quy định về kê khai nộp thuế GTGT đối với phần giá trị được nghiệm thu, thanh toán thuộc phần vốn Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình.
Một số nội dung ở dự án 2 và 3 có sự thay đổi so với chủ trương đầu tư, bao gồm: chiều dài tuyến, suất đầu tư của dự án, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án; tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa phù hợp theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ.
Ngoài ra, về phương án thiết kế một số hạng mục còn chưa tối ưu về kinh tế, chưa có lộ trình và thời gian cụ thể về việc triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ; phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 không bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục mà bố trí so le nhau với bề rộng và chiều dài chưa phù hợp, phương án thiết kế mái dốc 2 mái chưa tính đến việc phải bù vênh tại giai đoạn hoàn chỉnh…
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ về diện tích sử dụng đất cho dự án; những nội dung thay đổi so với chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua như chiều dài từng dự án thành phần, suất đầu tư, tổng mức đầu tư; tỷ lệ vốn chủ sở hữu tại các dự án thành phần…