1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kiếm khá nhờ “mượn” thương hiệu, xe ôm truyền thống “cố thủ” với nghề

(Dân trí) - Tại các bến xe, chuyện lời qua tiếng lại giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống đã không còn xa lạ. Xích mích, ghét nhau là thế..., nhưng nhiều lái xe xe ôm truyền thống vẫn sử dụng mũ bảo hiểm và đôi khi còn mặc cả áo của xe ôm công nghệ để đón khách.

Mâu thuẫn xảy ra như cơm bữa

Có mặt tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) lúc 1 giờ chiều ngày 24/6, giữa cái nắng như thiêu như đốt của buổi trưa hè, các hoạt động đưa đón khách của giới xem ôm vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

Xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống đụng độ nhau thường xuyên quanh các bến xe
Xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống đụng độ nhau thường xuyên quanh các bến xe

Dưới gốc cây, 1 nhóm xe ôm Grab đỗ xe tràn cả ra lòng đường, xe dựng ngổn ngang chắn hết lối đi. Thấy vậy, một lái xe xe ôm truyền thống chạy tới quát: “Chúng mày đứng gọn vào cho người ta đi, đây là đường đi, chúng mày làm barie chắn đường à...?”

Cũng không phải dạng vừa, một lái xe Grab hắng giọng: “Tôi đỗ đúng đường, chả việc gì!”

Bác xe ôm truyền thống tiếp lời với đôi chút dằn mặt: “Hôm nay đã có 1 thằng chạy Grab bị bảo vệ đánh và cướp trắng cái mũ bảo hiểm đấy!”.

Tuy sau đó không có căng thẳng gì thêm, nhưng những câu chuyện kiểu như này tại các bến xe giờ đã thành cơm bữa. Trước đây lái xe Grab, Uber còn e ngại đội xe ôm truyền thống, nhưng bây giờ họ đã biết đứng thành nhóm để tự bảo vệ mình.


Xe ôm Grab đứng tập trung theo nhóm tránh va chạm

Xe ôm Grab đứng tập trung theo nhóm tránh va chạm

Chia sẻ với phóng viên, Nguyễn Văn Khánh - chàng sinh viên quê Sơn La đứng chờ khách cho biết: “Em chỉ dám đứng ở phía bên phải đường mà không dám đỗ ở gần cổng bến xe, vì thường xuyên cảm thấy không an toàn khi đứng gần đó. Nếu khách có đồ nặng không qua được thì đành sang, nhưng phải càng nhanh càng tốt".

Đứng gần cổng bến xe cần thường xuyên quan sát
Đứng gần cổng bến xe cần thường xuyên quan sát

“Đứng lại lâu quá sẽ có người ra đuổi đi, quá đáng hơn thì sẽ bị chửi mắng. Nhưng em nghe nói ở đây còn đỡ hơn khu vực bến xe Yên Nghĩa, bán kính 3 km quanh khu vực bến xe Yên Nghĩa không có 1 bóng Grab nào”, Khánh thở dài.

Ghét nhưng vẫn “tận dụng” thương hiệu

Sau cuộc “đụng độ” trên, phóng viên đã bắt chuyện với người chạy xe ôm truyền thống đó, tuy không được biết tên nhưng gần chục năm nay, người ở bến xe Giáp Bát này vẫn quen gọi là bác xe ôm “râu xồm”.

Dắt xe lên vỉa hè, người đàn ông đã gần 60 tuổi niềm nở: “Ở đây, xe ôm truyền thống hầu hết đều tầm tuổi tôi, cao tuổi nhất có người đã 70, còn lại hầu hết là từ 55 - 60 tuổi".

“Trước đây, đội xe ôm truyền thống cũng đông, không có bảo kê gì cả, mọi người đều tự do, đứng đâu thì đứng, bắt khách đâu thì bắt. Nhưng từ lúc xuất hiện Grab, Uber thì số lượng xe ôm truyền thống đã giảm đi hẳn 1 nửa; không những thế, thu nhập cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông nói.

Ông “râu xồm” lẩm nhẩm tính: “Trước, cứ bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, tôi vừa làm vừa chơi ngày cũng kiếm được 800.000 - 1.000.000 đồng. Nhưng giờ, tôi có chạy cố thêm 1 - 2 tiếng nữa, cũng chỉ được 300.000 - 400.000 đồng”.

Đón khách bằng mũ Grab và mặc áo cùng màu đồng phục Grab
Đón khách bằng mũ Grab và mặc áo cùng màu đồng phục Grab

Khó khăn là thế, nhưng khi được hỏi lý do tại sao không chuyển sang chạy xe ôm công nghệ thì ông trả lời: “Tôi có điện thoại thông minh. Nhưng tôi không bao giờ vào mấy cái công ty này. Năm nay gần 60 tuổi đời rồi, tôi không đi làm nuôi mấy thằng trẻ con...".

Thế nhưng khi phóng viên cho biết, những người chạy xe taxi ở Nhật Bản đều là người lớn tuổi thì ông "râu xồm" cho rằng: “Đấy là làm từ thiện vì người nghèo...!”.

Và một lý do nữa ông đưa ra để không làm xe ôm công nghệ là bởi: “Dù có giảm 1 nửa thu nhập thì công Grab hay Uber cũng không cao bằng tôi. Chúng có chạy cả ngày cũng không bao giờ được 500.000 đồng".

“Vì Grab, Uber chạy lên Mỹ Đình giá khoảng 41.000 đồng, như thế chạy chục chuyến cũng chỉ được 300.000 - 400.000 đồng. Tôi mà chạy được 10 chuyến lên Mỹ Đình đã được 700.000 - 800.000 đồng rồi, bởi không phải ai cũng biết gọi xe công nghệ”, ông nói thêm.

Với thái độ phản đối và không thích Grab, Uber ra mặt, nhưng ông “râu xồm” lại rất biết tận dụng các thương hiệu này để bắt khách. Ông xin được một chiếc mũ bảo hiểm của Grab và áo đồng phục, nhưng ông không mặc mà chỉ mặc một chiếc áo màu xanh lá cây cộc tay, cho giống đồng phục.

Xe ôm thường đón khách bằng mũ Grab
Xe ôm thường đón khách bằng mũ Grab

Hằng ngày, ông chỉ cần lượn qua lượn lại với chiếc mũ Grab, áo xanh và hỏi khách: “Đi Grab không?”. Nếu khách có nghi ngờ thì ông bảo là chạy thêm, không cần phải đặt qua điện thoại.

Và dĩ nhiên, công việc đón khách cũng thuận lợi một chút bởi nhiều người ở quê lên cũng không thể phân biệt được đâu là "xe ôm công nghệ thật" và "xe ôm công nghệ nhái".

Thế Hưng