1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kiềm chế lạm phát cần có lộ trình

Linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ và có lộ trình kiểm soát lạm phát là đề xuất của PGS.TS Trần Hoàng Ngân trong cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cuối tuần qua.

Kiềm chế lạm phát cần có lộ trình - 1
Giá nhiều mặt hàng tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.
 
Dưới đây là một số đề xuất:

Xử lý tín dụng bất động sản

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp nhằm khai thông nguồn vốn đã được đầu tư vào bất động sản. Dư nợ bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế là không lớn nhưng có một phần lại tồn đọng kể từ ba năm qua.

Khoản tồn đọng này phát sinh từ năm 2008 khi thị trường chứng khoán và bất động sản bị giảm sút do Chính phủ thực hiện các chính sách điều chỉnh vĩ mô để kiểm soát lạm phát cao năm 2008 và chống đầu cơ bất động sản. Một số doanh nghiệp không trả được, có xu hướng đảo nợ, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Năm 2011, Chính phủ ban hành nghị quyết 11 về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh và hạn chế tín dụng phi sản xuất, trong đó có tín dụng bất động sản và tiêu dùng càng làm thị trường bất động sản khó khăn hơn.

Doanh nghiệp bất động sản khó vay thêm vốn, ngân hàng cũng không thể mở rộng cho người dân vay tiền để mua bất động sản, không bán được sản phẩm thì doanh nghiệp cũng chẳng có tiền để trả nợ.

Vì vậy, để giải bài toán thanh khoản cho ngân hàng, giảm bớt lãi suất, ngoài hỗ trợ thanh khoản cũng cần phải có biện pháp phân loại, xử lý các khoản nợ bất động sản tồn đọng. Các ngân hàng sẽ có thêm vốn để kinh doanh, bớt chạy đua lãi suất khi một phần của dư nợ tín dụng bất động sản được rã băng.

Việc hạn chế cho vay vốn dùng vào các mục đích phi sản xuất là cần thiết trong điều kiện hiện nay để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, không nên cào bằng tỉ lệ này giữa các ngân hàng vì mỗi ngân hàng có chiến lược kinh doanh khác nhau. Thay vào đó, nên dùng công cụ dự trữ bắt buộc để hạn chế vốn chảy vào tiêu dùng, phi sản xuất. Ngân hàng nào có tỉ lệ cho vay phi sản xuất cao thì phải chịu dự trữ bắt buộc cao hơn, khi đó lãi suất cho vay cũng cao theo. Ngược lại, ngân hàng nào có tỉ lệ cho vay sản xuất trên 80% thì nên khuyến khích bằng cách giảm dự trữ bắt buộc để giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, cần linh hoạt trong cung ứng tiền cho nền kinh tế vì theo nghị quyết 11 của Chính phủ, chỉ tiêu tăng phương tiện thanh toán năm 2011 là tăng 16% so với năm trước, tương ứng với tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%. Năm tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 12,07% và cả năm có thể là 16% thì việc cung ứng tiền theo chỉ tiêu 16% cũng cần phải linh hoạt cho phù hợp với mặt bằng giá mới, qua đó mới có thể kéo lãi suất giảm và hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Tránh đột ngột

Những tác nhân gây ra lạm phát ở nước ta đã thẩm thấu trong nhiều năm do nhiều nguyên nhân: hiệu quả đầu tư kém, công nghệ còn lạc hậu, cơ cấu kinh tế không hợp lý, quản lý giá kém, nhập khẩu lạm phát, chủ động điều chỉnh giá theo thị trường...

Để giải quyết bài toán kiềm chế lạm phát không thể giải quyết ngay tức khắc mà phải có mục tiêu ngắn, trung và dài hạn. Việc đưa ra lộ trình kiểm soát lạm phát cũng tránh gây những cú sốc, đồng thời phát đi thông điệp để nhà đầu tư có định hướng trong sản xuất kinh doanh. Bởi lộ trình kiểm soát lạm phát cũng sẽ kèm theo đó là việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa tương ứng.

Năm nay phấn đấu giữ lạm phát ở mức 16%, năm sau cố gắng 10%, rồi năm tới nữa là 6%... để đưa về mức lạm phát giống như các nước Asean. Như vậy, có thể cần 2-3 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể đưa lạm phát về mức một con số. Sẽ là “tai họa” nếu vội vã cắt, thắt chặt bởi như thế sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất kinh doanh.

Tương tự, cần có biện pháp giảm nhập siêu với lộ trình từ 16% xuống 12%, rồi xuống 8% so với kim ngạch xuất khẩu. Mục tiêu là trong năm năm tới phải cân bằng giữa xuất và nhập khẩu.

Tất cả những khó khăn của kinh tế vĩ mô phải được giải quyết theo lộ trình, đúng kịch bản thì mới bền vững; còn nếu nóng vội, cắt, thắt chặt mạnh thì lạm phát được kiềm chế nhưng sản xuất đình đốn, rồi dùng gói kích cầu thì lạm phát trở lại và vòng xoáy lạm phát sẽ cao hơn.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân

(thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia)

Tuổi trẻ