1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kịch tính màn so kè vốn hóa: Trồi sụt cổ phiếu doanh nghiệp các tỷ phú USD

Mai Chi

(Dân trí) - Vị thế của các công ty lớn nhất sàn chứng khoán đang có sự dịch chuyển đổi ngôi ngoạn mục. Trong khi VCB đã vượt xa VIC, VHM thì VNM nguy cơ văng khỏi top 10 nếu như TCB vượt lên vào các phiên tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có chuỗi giao dịch rất ấn tượng khi VN-Index đóng cửa phiên 28/2 với mức tăng mạnh hơn 17 điểm, vượt mốc 1.250 điểm nhờ vào sự dẫn dắt tích cực của cổ phiếu lớn.

Có 25 mã bluechips trong rổ VN30 tăng giá, đặc biệt là VCB tăng trần. Với diễn biến này, "ông vua" vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt đang nới rộng khoảng cách so với phần còn lại.

Vốn hóa thị trường của VCB tại thời điểm kết phiên 28/2 đạt 544.377 tỷ đồng, gần gấp đôi so với BID với vốn hóa 307.253 tỷ đồng, là mã có giá trị vốn hóa đứng thứ 2. Dẫu vậy, quy mô vốn hóa của BID vẫn bỏ xa các mã kế sau trên bảng xếp hạng.

Kịch tính màn so kè vốn hóa: Trồi sụt cổ phiếu doanh nghiệp các tỷ phú USD - 1

10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, tính đến hết phiên 28/2 (Nguồn: VDSC).

Ngoài cổ phiếu của 2 ngân hàng thương mại quốc doanh không có mã nào có vốn hóa vượt 200.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường khiến cuộc rượt đuổi về thứ hạng vốn hóa trở nên gay cấn hơn giữa một số nhóm cổ phiếu, đó là VHM và CTG; GAS, HPG và VIC; VPB và VNM.

VNM - mã cổ phiếu của trùm ngành sữa Vinamilk - từng có thời gian dẫn đầu về giá trị vốn hóa thì nay chốt sổ trong Top 10 với mức vốn hóa đạt 150.895 tỷ đồng. Trong lúc thị trường phục hồi mạnh thì suốt 1 năm qua, VNM giảm 0,52%.

CTG là mã duy nhất trong top 10 vốn hóa điều chỉnh giá trong phiên 28/2, giảm 0,55% còn 35.950 đồng tương ứng vốn hóa thị trường ở mức 193.051 tỷ đồng. Tuy vậy, ở mức giá hiện tại, CTG đã đạt được mức tăng mạnh 46,67% so với cùng kỳ năm ngoái.

VHM có 3 phiên tăng giá liên tục, mức giá phục hồi về 44.400 đồng tương ứng giá trị vốn hóa là 193.334 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với CTG. So với 1 năm trước, giá VHM ghi nhận tăng 7%, vẫn khiêm tốn hơn so với thị trường. Theo đó, VHM đang ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng vốn hóa, ngay trên CTG.

Cuộc so kè của HPG và VIC trong thời gian gần đây khá gay cấn. VIC dù có một số phiên giao dịch rất ấn tượng vừa qua nhưng vẫn đánh mất 13,31% thị giá so với 1 năm trước đó. Giá trị vốn hóa của VIC thụt lùi về mức 174.359 tỷ đồng.

Diễn biến của cổ phiếu Vingroup hoàn toàn trái ngược với cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Sau 1 năm, thị giá HPG đã tăng 53% lên mức 30.600 đồng, cũng là mức cao nhất trong hơn 1 năm qua của cổ phiếu này. Giá trị vốn hóa HPG đã ở mức 177.932 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa không xuất hiện mã cổ phiếu làm nên tên tuổi các tỷ phú USD như VJC, TCB, MSN. Cụ thể, VJC của hãng Hàng không Vietjet sau 2 phiên điều chỉnh, thị giá đang là 103.400 đồng, tương ứng vốn hóa 56.003 tỷ đồng. Trong năm qua, VJC cũng tăng rất khiêm tốn, chỉ 3,4% so với cùng kỳ.

Vốn hóa thị trường của MSN đã lùi dưới ngưỡng 100.000 tỷ đồng. Với mức giá 68.300 đồng, thấp hơn 16,71% so với 1 năm trước, giá trị vốn hóa của mã này đang ở mức 97.727 tỷ đồng và đang ở khoảng cách rất xa top 10 vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong đà phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng, TCB trong 1 năm qua đã tăng giá tới 59,25%, mức giá hiện ở mức 42.200 đồng. Vốn hóa thị trường của cổ phiếu Techcombank đã dần áp sát VNM, đạt 148.650 tỷ đồng.

Với diễn biến này, trong những phiên tới, khả năng Top 10 vốn hóa sẽ còn có nhiều biến động đáng chú ý.