Kịch bản mới cho xoá đói giảm nghèo

Chuẩn nghèo của nước ta so với Thái Lan, Malaysia chỉ bằng 2/3, nhưng tỷ lệ nghèo lại cao gần gấp đôi. So với Trung Quốc, chuẩn nghèo của ta tương đương, nhưng tỷ lệ nghèo đói cao hơn 1,5 lần.

Theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta đã “tăng vọt” từ 7% theo chuẩn cũ lên khoảng 27%. Như vậy, với 4,6 triệu hộ nghèo đang cần sự trợ giúp, giai đoạn 2006 - 2010 Chính phủ sẽ có rất nhiều việc phải làm cho đời sống của người nghèo. Chính bởi vậy, một kịch bản mới cho xoá đói giảm nghèo cũng đã được đưa ra. 

 

Tăng đầu tư cho tín dụng ưu đãi

 

Một nguyên nhân cơ bản và cũng là nguyên nhân muôn thủa của nghèo đói là do thiếu vốn sản xuất. Theo số liệu điều tra về đói nghèo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2004 có tới 79% số hộ nghèo đói do thiếu vốn sản xuất. Từ thực tế này, Văn kiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 mới được đưa ra tham vấn lần cuối tại Hà Nội cuối tuần trước đã đề xuất tăng đầu tư cho tín dụng ưu đãi và tăng hơn nữa các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo.

 

Dự kiến trong giai đoạn mới, tổng số vốn cho tín dụng ưu đãi hộ nghèo khoảng 20.500 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, số vốn hiện có của Ngân hàng này vào khoảng 11.600 tỷ đồng, tức là cần phải huy động thêm 8.900 tỷ đồng mới “tạm” đủ đáp ứng vốn cho người nghèo.

 

Để giải quyết một phần vấn đề “đầu tiên” cho người nghèo, ngân sách trung ương sẽ cấp bù chênh lệch lãi suất và xử lý rủi ro khách quan cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 3.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới. Số tiền này được Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay theo các dự án sản xuất với quy mô nhỏ.

 

Quan trọng hơn, trong giai đoạn 2006 - 2010, thủ tục cho vay và thu hồi vốn sẽ rất đơn giản với thời gian từ khi đăng ký vay tới khi nhận tiền không quá 15 ngày. Phương thức cho vay chủ yếu là tín chấp thông qua hình thức nhóm tín dụng tiết kiệm hoặc nhóm tương trợ tự nguyện của người nghèo.

 

Món vay và thời gian vay cũng được thay đổi cho phù hợp với chu kỳ kinh doanh của người dân. Cụ thể, suất vay bình quân đã được tăng lên từ 2 - 3 triệu đồng như thời kỳ trước lên 5 - 7 triệu đồng trong giai đoạn này, với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 25 - 30%.

 

Người nghèo được bình đẳng tiếp cận các dịch vụ

 

 

 

Theo ông Đàm Hữu Đắc - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - trong 5 năm tới, Nhà nước sẽ trực tiếp chi trả phí dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề cho người nghèo trong các cơ sở cung cấp dịch

Người nghèo được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh ở các cơ sở công lập và ngoài công lập thông qua thẻ bảo hiểm y tế.

 

Con hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được miễn 100% học phí và tiền xây dựng trường ở tất cả các cấp học. Con hộ nghèo khác được miễn giảm 50% học phí và tiền xây dựng trường.

vụ công lập và ngoài công lập. Điều này sẽ giúp người nghèo được bình đẳng với những người khác khi tiếp cận các dịch vụ trên.

 

Trong giai đoạn mới này, người nghèo được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh ở các cơ sở công lập và ngoài công lập thông qua thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, chương trình cũng dành 4.076 tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị, nhà cửa cho các trạm y tế cấp xã và nâng cao trình độ cho nhân viên y tế cấp xã.

 

Trong lĩnh vực giáo dục, con hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được miễn 100% học phí và tiền xây dựng trường ở tất cả các cấp học. Con hộ nghèo khác được miễn giảm 50% học phí và tiền xây dựng trường. Dự kiến, chương trình này sẽ miễn giảm học phí cho 10 triệu lượt học sinh với số tiền khoảng 2.073 tỷ đồng trong 5 năm tới.

 

Hộ nghèo thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và đất sản xuất cũng được hỗ trợ. Cụ thể, những hộ nghèo chưa có đất ở sẽ được địa phương còn quỹ đất hỗ trợ khoảng 200 m2 đối với mỗi hộ gia đình nông thôn, hộ gia đình đang ở trong nhà tạm sẽ được hỗ trợ một lần với mức 5 triệu đồng/hộ.

 

Những hộ gia đình thiếu đất sản xuất sẽ được cấp đất mới hoặc được hỗ trợ về tín dụng để chuộc lại đất sản xuất đã cầm cố. Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí cho hộ gia đình ở vùng khó khăn về nước sinh hoạt như đào giếng hoặc mua ống dẫn nước với mức 300.000 đồng/hộ.

 

Giảm hộ nghèo xuống 15% vào năm 2010

 

Với rất nhiều giải pháp được đưa ra, mục tiêu chính cần đạt tới là vào năm 2010, số hộ nghèo nước ta sẽ giảm từ xấp xỉ 27% như hiện nay xuống còn khoảng 15%. Đời sống của hộ nghèo sẽ được cải thiện và giảm nguy cơ tái nghèo đối với hộ mới thoát nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Hằng - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - mỗi năm nhiệm vụ đặt ra là phải đưa được khoảng 300.000 hộ gia đình thoát nghèo.

 

Hiện nay, so sánh chuẩn nghèo của nước ta với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia thì chuẩn nghèo của nước ta chỉ bằng 2/3, nhưng tỷ lệ nghèo đói của ta lại cao gấp gần 2 lần. Nếu so với Trung Quốc, thì chuẩn nghèo của nước ta tương đương, nhưng tỷ lệ nghèo đói cao hơn 1,5 lần. Do vậy, cải thiện đời sống của người nghèo cũng là cách tăng khả năng cạnh tranh của họ trong nền kinh tế hội nhập mà không xa nữa họ sẽ phải đối mặt.

 

Theo Đầu tư