Khuyến nghị những chính sách quan trọng trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 2021

Nhật Hồng

(Dân trí) - Tại hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2021, những chính sách được khuyến nghị cho chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, dịch bệnh covid-19.

Hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2021 (BCKTTN 2021) do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) phối hợp tổ chức ngày 29/7, theo hình thức trực tuyến. 

Khuyến nghị những chính sách quan trọng trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 2021 - 1

Một điểm cầu của Hội thảo.

Theo báo cáo, toàn cầu hóa có xu hướng chững lại bởi những tranh chấp thương mại song phương và đa phương, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới trong việc chuyển đổi số và xanh hóa nền kinh tế, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng cả ở cấp độ và quy mô.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một nước có mức độ hội nhập cao, ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài và hiện đang đối mặt với những áp lực cạnh tranh quốc tế.

Năm 2021 có thể coi là một năm bản lề của giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, báo cáo năm nay đi sâu vào phân tích vị thế cạnh tranh Việt Nam trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

BCKTTN 2021 do PGS TS Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS Nguyễn Anh Thu và TS Nguyễn Quốc Việt chủ biên, đã quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học tham gia.

Khuyến nghị những chính sách quan trọng trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 2021 - 2

PGS TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐH QGHN, là một trong nhóm tác giả của Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam 2021.

Tổng kết hội thảo, PGS TS Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng cho chiến lược định vị lại nền kinh tế Việt nam trong bối cảnh biến động toàn cầu. Trong đó, khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn là nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh covid-19.

Sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất, kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng như các hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được cơ bản khống chế. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.

Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Tiết kiệm chi thường xuyên cũng là một định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số, tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định.

Khuyến nghị những chính sách quan trọng trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 2021 - 3

PGS TS Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế.

Về khuyến nghị chính sách trong trung và dài hạn thì cần song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19.

Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số PCI, điều này không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung mà còn được chứng minh làm gia tăng TFP của các ngành sản xuất tại địa phương đó.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam nên tận dụng các FTAs nhằm cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động giao thương.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hiểu biết và đảm bảo khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, xuất xứ... khẳng định vị thế của mình trên sân chơi thế giới.

Thứ tư, Việt Nam cần nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm hưởng lợi và tận dụng được tối ưu chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật từ những doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở đó, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Để cải thiện vị thế của Việt Nam trong GVC ngành thực phẩm, cần tập trung vào ba trụ cột chính, bao gồm chế biến (thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tốt hơn), sản phẩm (tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phức tạp hơn hoặc có giá thành cao hơn) và chức năng (có được các kỹ năng mới trong chuỗi giá trị mà công ty chưa thực hiện trước đây).