Khuyến cáo không nên ký tiếp hợp đồng xuất khẩu gạo
Mới chỉ hết tháng 5, kế hoạch xuất khẩu (XK) gạo của VN trong năm 2007 đã được tạm "ấn định" ở mức 3,5 triệu tấn và các DN được khuyến cáo không nên ký tiếp hợp đồng. Ông Nguyễn Đăng Chi - Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Thương mại) cho biết vấn đề này:
Đến thời điểm này, VN mới XK được trên 1,8 triệu tấn gạo. Nếu theo tiến độ giao hàng đã ký hợp đồng và đang thực hiện, đến hết tháng 6/2007, VN sẽ XK được khoảng 2,2 triệu tấn gạo, trong lúc chỉ tiêu Nhà nước giao năm nay sẽ XK khoảng 4,5 triệu tấn.
Đáng lưu ý là cho đến nay, các hợp đồng mua gạo của VN đã ký gần đủ kế hoạch rồi. Nhiệm vụ hiện nay chỉ còn là đảm bảo sản xuất và sản lượng ổn định, nếu tăng được càng nhiều càng tốt để thực hiện kế hoạch XK. Do đó, mặc dù vẫn còn một số lượng chỉ tiêu XK nhưng chúng ta cũng phải từ từ, bởi nếu ký ngay thì chưa biết kết quả của vụ thu hoạch sắp tới như thế nào.
Việc gieo cấy lúa chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết mưa bão. Mặt khác, tình hình giá cả đối với mặt hàng gạo XK biến động khá phức tạp. Trong khi đó, giá gạo trong nước đang ở mức cao tương đương với giá gạo của Thái Lan. Điều này sẽ làm cho việc XK gạo của VN khó cạnh tranh.
Cho đến nay, các hợp đồng ký kết đã ổn định rồi, lượng gạo hàng hoá thu hoạch từ vụ đông xuân mà các DN chuẩn bị đã vừa đủ với kế hoạch XK. Do đó, vào lúc này không ai hướng dẫn cho việc ký hợp đồng XK gạo cho quý IV, bởi lỡ vào thời điểm đó giá gạo tăng, thiên tai lũ lụt xảy ra thì sẽ khó mà xoay sở. Chính phủ cũng rất thận trọng đối với vấn đề này nên phải đến hết quý III mới xem xét việc tăng, giảm đối với lượng gạo XK cụ thể.
Nếu ngừng ký hợp đồng XK gạo, giá lúa sẽ giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân. Bộ Thương mại có cân nhắc đến vấn đề này?
Về hiệu quả trồng lúa XK, theo giá lúa của VN trong 5 tháng đầu năm 2007 thì các tỉnh phía bắc giá lúa tăng 12%, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trên 22%. Điều này đã nâng giá lúa của cả nước tăng bình quân chung trên 18%.
Mức chênh lệch giá như vừa nêu đã mang lợi cho sản xuất trồng lúa trên 5.100 tỉ đồng. Và với mức giá thành là 1.450đ/kg lúa, trong lúc người dân đã bán được ngay tại ruộng với giá hơn 2.750đ/kg lúa thì Bộ Tài chính đã tính được người nông dân ở đây được lãi đến 80% so với giá thành nên quyền lợi của người nông dân đã được bảo đảm.
Hiệu quả của việc XK gạo từ nhiều năm qua cho đến nay là chưa cao. Liệu có nên tiếp tục duy trì hoạt động XK gạo như hiện nay, thưa ông?
Về xu hướng, giá gạo trong nước cũng như thế giới vẫn tiếp tục tăng lên bởi hàng loạt các lý do: Thứ nhất là do diện tích trồng lúa ở VN đang bị thu hẹp lại bởi tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá...
Thứ hai là hiệu quả của việc trồng lúa không cao, nên người nông dân bỏ canh tác, việc này đã diễn ra ở các vùng đồng bằng các tỉnh phía bắc.
Thứ ba là tỉ lệ tăng dân số hàng năm của mỗi quốc gia đều đang cần nguồn lương thực, trong lúc nguồn cung không tăng.
Thứ tư là yếu tố thiên tai, bão lụt thất thường, nhất là trong tình trạng khí hậu toàn cầu đang nóng lên như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động gieo trồng lương thực và tác động lớn đến giá lương thực.
Và vấn đề thứ năm là điều rất mới, đó là trên thế giới bắt đầu xuất hiện công nghệ chế biến cồn từ ngô (bắp) và sắn (khoai mì) để làm nhiên liệu dùng cho động cơ. Việc sử dụng công nghệ khoa học này dùng một lượng sắn, ngô rất lớn sẽ ảnh hưởng đến tình hình lương thực toàn cầu. Dự báo có thể ngay trong năm tới, giá sắn lát và ngô sẽ tăng khoảng trên 100%.
Với động thái sử dụng lương thực thế này, tại Hội nghị Nhà vua và Gạo tổ chức ngày 11-12/5 vừa qua tại Thái Lan, các chuyên gia về lương thực đã nhận định giá gạo thế giới trong năm tới có thể sẽ tăng từ 45-50USD/tấn.
Nếu việc sản xuất cồn từ lương thực (ngô, sắn) làm nhiên liệu động cơ, dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng trên 1 tỉ người trên thế giới thiếu ăn. Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để có chiến lược củng cố hoạt động sản xuất lương thực của VN.
Theo Công Thắng
Báo Lao động