1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Khủng hoảng” kênh đầu tư, rót tiền vào đâu để kiếm lời?

(Dân trí) - Thời điểm hiện nay, khi thị trường chứng khoán vẫn đang trong tình trạng "khủng hoảng", bất động sản một số nơi nhất là ở các khu vực dự kiến là "đặc khu" đứng yên..., kênh đầu tư nào mới hấp dẫn, đang là một dấu hỏi với giới đầu tư.


Giới đầu tư đang lúng túng tìm kiếm kênh đầu tư mới

Giới đầu tư đang lúng túng tìm kiếm kênh đầu tư mới

Bế tắc kênh đầu tư

Đầu năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng chứng khoán, bất động sản sẽ là hai kênh đầu tư hấp dẫn cho năm nay.

Tuy nhiên, nửa năm đầu 2018 đã chứng kiến giai đoạn đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt với những cú tăng rồi “rớt” mạnh, kèm theo đó là sự choáng váng của nhiều nhà đầu tư.

Thị trường cũng đã chứng kiến những pha “sốt nóng” giới đầu tư đất nền khi rót tiền vào đất nền và chôn cả “núi tiền” ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc khi Quốc hội ngừng thông qua Luật đặc khu.

Cũng thời điểm này, báo cáo của 3 công ty chuyên nghiên cứu bất động sản lớn của Việt Nam: Savills, CBRE, JLL đều cho thấy lượng tiêu thụ chung cư cả ở Hà Nội, TP.HCM đều sụt giảm trong 3 tháng vừa qua...

Ngoài nguyên nhân do dư âm của sự cố cháy chung cư từ cuối tháng 3 khiến tỷ lệ căn hộ được bán ra sụt giảm thì còn một lý do mà chưa được các báo cáo đề cập tới: Đó là tâm lý “ngại” đầu tư vào loại hình căn hộ để ở.

Sở dĩ đầu tư vào chung cư không còn hấp dẫn vì khi mua rồi cho thuê cũng không đạt lợi nhuận cao như kỳ vọng, bán ra lấy tiền “chênh” gặp nhiều khó khăn do nguồn cung lớn, sự cạnh tranh càng ngày càng gay gắt.

Như vậy có thể thấy, bất động sản nhưng không phải là lựa chọn vào phân khúc nào cũng hấp dẫn và mang lại cơ hội “ẵm” lời cho nhà đầu tư.

Đánh giá về điểm nhấn thị trường bất động sản Việt Nam nửa đầu năm 2018, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường trong nước theo chiều hướng tích cực và thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ.

Theo ông Troy, quy mô nới lỏng định lượng (QE) lịch sử cho thấy mức sinh lợi vẫn còn tương đối thấp. Khi QE giảm xuống thì chắc chắn những thị trường mới nổi sẽ chịu một số áp lực, trong đó đặc biệt là hệ thống tiền tệ. Vì lẽ đó, bất động sản sẽ vẫn là một kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần.

Đáng chú ý, theo quan điểm của ông Troy, trong giai đoạn du lịch Việt Nam đang cho thấy những bước phát triển ngoạn mục, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn sẽ tiếp tục chứng tỏ tiềm năng, cơ hội và đón đầu thị trường.

Du lịch phát triển, bất động sản nghỉ dưỡng có “thăng hoa” cùng?

Có thể thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng muốn phát triển được sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào ngành du lịch. Và một điểm đáng mừng, du lịch Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển khá tốt với lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng cao.

Báo cáo khảo sát ngành Dịch vụ Khách sạn năm 2018 do công ty Grant Thornton Việt Nam vừa được công bố cho biết: Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2016, Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu trong số các nước Đông Nam Á.

Việt Nam hiện tại là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 6 thế giới và nhanh nhất châu Á trong vai trò là một điểm đến du lịch, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).

Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Mục tiêu được đặt ra cụ thể là đến năm 2020, Việt Nam thu hút được từ 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng trưởng hàng năm đạt 7,6%), đáp ứng được 48 triệu lượt khách nội địa (tăng trưởng đạt 5,3% hàng năm). Doanh thu từ du lịch đến năm 2020 sẽ tăng đến 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP vào năm 2020, thu hút 42,5 tỷ USD vốn đầu tư…

Bên cạnh đó cũng thấy được, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu đi du lịch của người dân cũng tăng cao. Nhờ đẩy mạnh hệ thống giao thông, mở ra nhiều đường bay mới, xây dựng thêm nhiều tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.

Cùng với đó, pháp lý trong lĩnh vực bất động sản hiện nay được thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội sở hữu bất động sản tại Việt Nam cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy phân khúc này thêm sôi động.

Từ đà này, bất động sản nghỉ dưỡng đang được nhận một lượng đầu tư lớn từ các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước. Cam kết về lợi nhuận của nhiều chủ đầu tư đưa ra khá hấp dẫn (8-12%/năm) khiến cho thị trường này vẫn tiếp tục sôi động bất chấp lượng bán ra của nhiều phân khúc khác đang lao đao vì sụt giảm.

Hấp dẫn nhưng cần cân nhắc

Chia sẻ mới đây tạ hội thảo về “Triển vọng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng”, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, ai đầu tư thì cũng muốn sinh lợi nhiều nhất cho mình. Đối với bất động sản, việc sinh lợi thể hiện ở 2 góc độ, bao gồm khả năng thu lợi từ khai thác bất động sản và điều hấp dẫn hơn khi đầu tư là việc tăng giá của bất động sản trong tương lai.

Cho rằng rằng bất động sản nghỉ dưỡng hiện đang là một kênh đầu tư hấp dẫn, ông Võ phân tích: “Không phải bất cứ nơi nào ở Việt Nam đều có thể xây dựng bất động sản nghỉ dưỡng mà chỉ có một số nơi thỏa mãn điều kiện du lịch. Và đến 1 lúc nào đó thì địa điểm để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở nên khan hiếm và đó là lúc tăng giá của bất động sản nghỉ dưỡng”.

Tuy nhiên, với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên thị trường hiện nay, chuyên gia bất động sản cũng cho rằng việc lựa chọn dự án nào để đầu tư có hiệu quả cao thì các nhà đầu tư cần xem xét nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, cân nhắc đến các yếu tố về vị trí, năng lực chủ đầu tư , nhà quản lý chuyên nghiệp….

Do đó cần phải xem xét kỹ trước kỹ quyết định “xuống tiền”, tránh trường hợp nhiều người mua chỉ quan tâm đến hợp đồng mua bán mà bỏ qua các điều khoản phụ lục hợp đồng quan trọng khác dẫn đến dễ phát sinh tranh chấp về sau.

Nguyễn Khánh

“Khủng hoảng” kênh đầu tư, rót tiền vào đâu để kiếm lời? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm