1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khủng hoảng dầu mỏ do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine sắp kết thúc?

Nhật Linh

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng dầu mỏ do cuộc chiến ở Ukraine gây ra đang sắp sửa kết thúc. Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và lương thực đang giảm về mức trước chiến tranh.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào tháng 2 năm ngoái đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường. Giá dầu và khí đốt tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ; giá than tăng gần 70%; giá lúa mì tăng toàn cầu tăng hơn 60% trong khi giá các kim loại mà Nga xuất khẩu như niken, palladium và aluminum đều tăng đáng kể.

Trong khi đó, đồng euro giảm mạnh, lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ ngang giá với đồng USD, do lo ngại cuộc chiến sẽ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng dầu mỏ do tác động từ cuộc chiến ở Ukraine sắp kết thúc? - 1

Tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đến thị trường dầu mỏ sắp kết thúc (Ảnh: NBC).

Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn do cuộc chiến đang sắp sửa kết thúc. Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và lương thực đang giảm về mức trước chiến tranh. Trong khi đó, trong 3 tháng qua, đồng euro cũng tăng 7% so với đồng USD, lên mức 1,06 USD.

Tháng 3 năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi chiến sự nổ ra, giá dầu thô đã tăng vượt mốc 130 USD/thùng. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới nên việc các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này đã khiến giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, giá dầu đã liên tục đi xuống và hiện giao dịch quanh mức trước chiến sự là 80 USD/thùng.

Nói với Yahoo News, ông Jorge Leon, chiến lược gia cao cấp nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, cho biết: "Giá dầu phần lớn đã giảm trong những tháng gần đây do lo ngại suy thoái và lãi suất tăng vọt ở nhiều nền kinh tế phát triển. Tình hình tại Ukraine ngày càng xấu đi cũng có thể mang đến những dấu hiệu tiêu cực cho thị trường do suy thoái kinh tế toàn cầu".

Ngoài ra, có nhiều lo ngại cho rằng giá dầu có thể giảm hơn nữa do gia tăng các ca lây nhiễm Covid ở Trung Quốc. Hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 12 cũng đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp, làm tăng khả năng nhu cầu dầu sẽ yếu hơn trong những tháng đầu năm mới.

Phát biểu trên đài CBS vào ngày đầu năm mới, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng: "Kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong năm 2022 do chính sách zero-Covid. Lần đầu tiên trong 40 năm, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 đã ngang hoặc thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu. Đó là điều chưa từng xảy ra trước đó. Và trong 3-6 tháng tới, việc nới lỏng các hạn chế Covid sẽ đồng nghĩa các đợt bùng phát Covid có thể xảy ra trên khắp Trung Quốc".

Đối với thị trường dầu mỏ, Credit Suisse dự đoán, đợt bán tháo vẫn chưa kết thúc. Giá dầu Brent có thể tiếp tục giảm xuống mức 63,02 USD/thùng.

Tuy nhiên, một số dự đoán cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng vọt tới 4% trong năm nay nếu thế giới thoát khỏi các hạn chế do Covid.

Nói với Bloomberg, nhà giao dịch quỹ phòng hộ Pierre Andurand cho rằng, nhu cầu dầu có thể tăng 3-4 triệu thùng/ngày trong năm 2023 nhờ việc chuyển từ sử dụng khí đốt sang dầu.

Tương tự, một số nhà phân tích tin rằng năm 2023 sẽ không còn những yếu tố cản trở đà tăng của giá dầu trong năm nay, bao gồm chính sách zero-Covid của Trung Quốc và việc giải phóng kho dự trữ dầu. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt dầu và khí đốt Nga sẽ làm tăng giá dầu.

Ông Pierre Andurand dự đoán ngành năng lượng sẽ tiếp tục vượt trội so với các ngành khác do nhu cầu cao đối với cổ phiếu dầu khí.

Theo OilPrice