1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khủng hoảng chưa qua, chuỗi cung ứng lại gặp thách thức từ Omicron

Hằng Đoàn

(Dân trí) - Biến thể Omicron có thể là "một thử nghiệm khác về khả năng phục hồi" đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.

Khủng hoảng chưa qua, chuỗi cung ứng lại gặp thách thức từ Omicron - 1
Tàu tắc nghẽn ở cảng Thanh Đảo, Trung Quốc vào hôm 11/11. (Ảnh: Costfoto)

Kể từ đầu năm nay, các cảng và các doanh nghiệp đã phải chiến đấu với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến nay, khi cuộc khủng hoảng dường như đang bắt đầu giãn bớt thì hoạt động xuất nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với một trở ngại khác: biến thể Omicron.

"Mặc dù còn rất nhiều ẩn số nhưng biến thể Omicron chắc chắn đang trở thành một thử nghiệm khác về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng kéo dài", nhà phân tích Per Hong cho biết.

Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics, cho biết: "Các chuỗi cung ứng vẫn trong tình trạng dễ bị đứt gãy bởi sự gián đoạn liên quan đến đại dịch. Hiện nay với sự xuất hiện của biến thể Omicron cuộc khủng hoảng có nguy cơ ngày càng trầm trọng".

Tác động dây chuyền của lệnh phong tỏa

Mặc dù chưa có ca mắc Omicron nào ở Trung Quốc nhưng chuyên gia Per Hong cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của Chính phủ Trung Quốc sau khi có ca mắc ở Hồng Kông.

Ông Hong nói: "Dự báo Trung Quốc sẽ càng quyết tâm hơn với chính sách 'không Covid', chính sách khiến nước này từng phong tỏa hàng loạt thành phố, cách ly bắt buộc, kiểm tra nghiêm ngặt tại các cảng, giám sát tàu và hàng để ngăn chặn ca mắc xâm nhập".

Một số cảng đông đúc nhất thế giới đều nằm ở Trung Quốc. Trong 10 cảng đông đúc hàng đầu, có tới 7 cảng ở Trung Quốc. Thượng Hải xếp đầu tiên. Các nhà phân tích khác cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tăng cường các thực hiện chính sách này khi biến thể Omicron xuất hiện.

Ông Per Hong cũng cho biết kinh nghiệm chống dịch từ năm 2019 tới nay cho thấy, các biện pháp khóa cửa ở một số quốc gia có "tác động trực diện đáng kể đến tất cả hoạt động xuất - nhập khẩu của các quốc gia khác". Nếu điều này xảy ra, không chỉ việc vận chuyển sẽ bị hạn chế, mà chúng ta chắc chắn gặp phải vấn đề thiếu hụt trầm trọng các thành phần sản xuất quan trọng và lượng đơn đặt hàng tồn đọng kéo dài đối với các sản phẩm ô tô, điện tử, và một số mặt hàng thiết yếu".

Khủng hoảng chưa qua, chuỗi cung ứng lại gặp thách thức từ Omicron - 2

Xuất khẩu khu vực có nguy cơ bị trì hoãn (Ảnh: Evofendex).

Có thể tác động tới phục hồi xuất khẩu khu vực

Chuỗi cung ứng ở khắp mọi nơi đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn lớn trong năm nay từ tình trạng thiếu container đến lũ lụt và đại dịch Covid-19 khiến các cảng phải đóng cửa. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu là cuộc khủng hoảng mới nhất đã làm chao đảo ngành vận tải biển.

Nhưng, tình hình có vẻ đang ổn định gần đây dù vẫn còn rất xa so với thời kỳ tiền Covid-19.

Theo nhà kinh tế Sian Fenner của Oxford Economics, khi các hạn chế được nới lỏng ở châu Á, người lao động có thể quay trở lại. Và mặc dù vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện, các nhà máy đã hoạt động trở lại từ tháng 9.

"Ngay cả khi sản xuất nhiều hơn thì vẫn có những thách thức về hậu cần, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa. Điều đó bao gồm những hạn chế về nguồn cung vận chuyển trong ngắn hạn, do độ trễ giữa các đơn đặt hàng mới cho tàu và giao hàng", nhà kinh tế Sian Fenner cho biết.

Theo Oxford Economics, trên toàn cầu, chưa đến một nửa số tàu đến đúng giờ trong năm 2021 và sự chậm trễ đối với các chuyến tàu liên tục kéo dài hơn một tuần so với thời gian giao hàng khoảng 4 ngày trong năm 2018 và 2019.

Công ty nghiên cứu TS Lombard cho biết, Việt Nam - một nhà xuất khẩu chủ chốt ở châu Á sẽ giành lại thị phần xuất khẩu sau làn sóng Covid-19 vừa qua. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích từ TS Lombard cho biết, biến thể Omicron có thể gây ra mối đe dọa đối với sự phục hồi xuất khẩu trong khu vực.

"Hầu hết các chính phủ trong khu vực có khả năng không tái áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt, nhưng điểm mấu chốt là chuỗi cung ứng sẽ vẫn chịu áp lực trong khi mối đe dọa từ Covid-19 vẫn tồn tại", các nhà phân tích từ TS Lombard cho biết.

Theo Oxford Economics, nếu biến thể Omicron xâm nhập vào chuỗi cung ứng, tác động lên tổng sản phẩm quốc nội của châu Á có thể sẽ giảm 1,6% trong năm tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm