Không thiếu tiền nhưng vì sao giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm?

(Dân trí) - Sau nửa năm, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 33% kế hoạch được Thủ tướng giao. Trong khi đó, giải ngân từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mới đạt 15,4%, trong đó một số đơn vị giải ngân thấp là Bộ Giao thông Vận tải 6,2%, Hà Nội 3%, Kiên Giang 4% dù Kho bạc Nhà nước khẳng định không thiếu tiền.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều 21/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tổng số 251.450 tỷ đồng tổng vốn đầu tư Thủ tướng giao đến ngày 12/5/2016 thì các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân 83.037 tỷ đồng, đạt 33,14% vốn kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương với giải ngân của cùng kỳ năm trước, nhưng số tuyệt đối thì cao hơn do kế hoạch giao năm 2016 nhiều hơn. Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, có khoảng 6.000 tỷ đồng vốn đã thực hiện nhưng chưa được thanh toán giải ngân.

Lãnh đạo Bộ KHĐT đánh giá, hầu hết vốn kế hoạch bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia 5 tháng đầu năm chưa được giải ngân do chương trình chưa được phê duyệt chính thức và chưa có hướng dẫn tạm thời của Bộ.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị cho là còn chậm
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị cho là còn chậm

Với vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), tổng số vốn kế hoạch là 60.000 tỷ đồng và Thủ tướng Chính phủ đã giao 40.590 tỷ đồng. Số chưa giao còn lại chủ yếu là vốn Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đang rà soát điều chuyển cho dự án khác, vốn đầu tư dự án kiên cố hóa trường lớp học mầm non, các dự án được điều chuyển cho dự án khác từ số vốn chưa giải ngân.

Tới nay các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân được 6.081 tỷ đồng, đạt 15,42%, trong đó các bộ, ngành giải ngân được 2.079 tỷ đồng trên 21.998 tỷ đồng, đạt 9,45%; còn lại địa phương giải ngân đạt 22,95%.

“Vốn TPCP giải ngân 5 tháng đầu năm như vậy là thấp so với yêu cầu, trong đó một số đơn vị giải ngân thấp là Bộ Giao thông Vận tải 6,2%, Hà Nội 3%, Kiên Giang 4%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Ông Dũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 chậm xuất phát từ việc một số bộ, ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016. Các văn bản hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa hoàn thiện, hoặc chưa phù hợp, gây nhiều khó khăn cho triển khai giải ngân vốn. Phạm vi, quyền hạn giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án chưa được cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Nhiều địa phương chưa thành lập được ban quản lý dự án chuyên ngành, hoặc khu vực theo quy định của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, dẫn đến việc triển khai các dự án mới bị chậm.

Ngoài ra là các nguyên nhân đến từ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu kém, góp phần gây chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Trong khi đó, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước khẳng định không thiếu tiền để giải ngân TPCP. Kho bạc Nhà nước cũng cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, đồng thời thực hiện giao kế hoạch vốn năm 2016 tới 50% dự toán trong lần đầu tiên cho các dự án.

Đối với các dự án đầu tư công mới khởi công, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước phản ánh, số liệu chưa đầy đủ, nhưng có tới 200 dự án ở địa phương đã được phân bổ vốn; tuy nhiên, ban quản lý dự án chưa đến Kho bạc làm các giao dịch đăng ký tài khoản và mã dự án do nhiều địa phương chưa thành lập ban quản lý dự án.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành tiếp tục làm rõ các thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời khẳng định theo chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công đang rất thấp và đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ giao vốn để bảo đảm tạo việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn việc thực hiện đầu tư các dự án, đẩy mạnh việc giao vốn và kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư công, bảo đảm phát huy giá trị của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHĐT nhanh chóng thẩm định các chương trình để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có kế hoạch giao vốn cụ thể để sớm triển khai.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành liên quan sớm phân công nhân sự tham gia Tổ công tác để phối hợp và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của năm 2016.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHĐT hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2016.

Bích Diệp

Không thiếu tiền nhưng vì sao giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm