1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Vinh: Chưa ai bị kỷ luật trong sai phạm đầu tư công

(Dân trí) - Trong chương trình Người dân và Chính phủ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định sẽ làm nghiêm trong tái cơ cấu đầu tư công, nhưng ông không muốn xảy ra việc kỷ luật, bởi điều này đồng nghĩa với việc đã xảy ra nhiều sai phạm lớn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đến giờ phút này chưa ai bị kỷ luật trong sai phạm đầu tư công.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đến giờ phút này chưa ai bị kỷ luật trong sai phạm đầu tư công.

Chống chạy chọt trong đầu tư, cấp dự án


Thưa Bộ trưởng, một trong những bước đi đầu tiên để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công là việc thực hiện Nghị quyết 11 vào ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Sau 3 năm, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Có Đảng viên nào lại như thế này không?

 

Nghị quyết 11 là một Nghị quyết rất toàn diện, là một dấu mốc để chuyển từ chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” trước đây sang một chủ trương mới phù hợp hơn với tình hình mới là “ưu tiên kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”.

 

Nghị quyết 11 với các nội dung xuyên suốt giải quyết các vấn đề nêu trên. Trong  đó, yêu cầu siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư công, đây là bước khởi đầu trong chủ trương.

 

Nghị quyết 11 nêu lên 3 nội dung chính, một là hạn chế và giảm bớt hạn mức đầu tư công để góp phần kiềm chế lạm phát. Hai là cần phải có một chế tài kiểm soát chặt chẽ để đầu tư công có hiệu quả hơn, hạn chế việc đầu tư tràn lan dở dang. Ba là tạm dừng lại tất cả những khởi công mới trong năm 2011.

 

Ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 11, Chính phủ đã tiếp tục triển khai một loạt văn bản khác. Trong ba năm 2011-2013, tổng vốn đầu tư công đều giảm, tốc độ năm sau nhanh hơn năm trước (tỷ trọng đầu tư công thấp hơn, lượng tiền giảm đi).

 

Số lượng dự án khởi công mới trong 3 năm qua liên tục giảm để dồn vốn vào những dự án đang dở dang, đưa dự án vào sử dụng, nâng cao hiệu quả.

 

Trong giai đoạn trước đây, hệ số ICOR rất cao, vào khoảng 7,3%, nhưng 3 năm vừa qua đã giảm xuống chỉ còn 5,6%, đây là một trong những thành công. Vốn ít nhưng vẫn đảm bảo được tăng trưởng. Mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa vào vốn, nhưng đồng vốn đã bước đầu sử dụng có hiệu quả hơn.

 

Vậy đánh giá của Bộ trưởng như thế nào về ý kiến cho rằng “việc tái cấu trúc đầu tư công mới chỉ là đề bài còn việc thưc hiện chưa được quyết liệt, chưa mạnh mẽ như yêu cầu đặt ra”?

 

Nghị quyết 11 không phải là Nghị quyết chuyên đề về đầu tư công, mà trong 3 năm qua, dấu ấn quan trọng nhất để thay đổi cơ bản về đầu tư công nhằm hạn chế dàn trải, nâng cao hiệu quả là Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/10/2011.

 

Chỉ thị này quy định nhiều điểm mới và rất chi tiết. Những năm vừa qua, Chỉ thị 1792 mới là văn bản đưa ra nhiều đột phá trong đầu tư công. Trong này có những chế tài mà trước đây chưa đặt ra.

 

Ví dụ ai ký quyết định thì phải đảm bảo có nguồn lực thực hiện, chứ không phải có thẩm quyền là cứ ký cho làm mà không có tiền để rồi nợ tràn lan. Chỉ thị cũng giao cho địa phương được quyền quản lý danh mục đầu tư và phê duyệt dự án nhưng được trung ương giám sát thông qua thẩm định. Khi quyết định dự án đầu tư mới, địa phương phải báo cáo với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét trước khi trình Chính phủ: Dự án có tiền để làm không và có đáng làm không, còn nếu không thì trả lại.

 

Ngoài ra, còn có những quy định rất chặt chẽ về thời hạn hoàn thành với từng loại dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, như nhóm B thì không quá 5 năm, nhóm C cũng không quá 3 năm, phải bố trí đủ vốn đề hoàn thành chứ không được kéo dài như thời gian vừa qua. Nếu kiểm tra thấy nếu trong 3 năm đó không bố trí đủ vốn được cho dự án nhóm C thì sẽ có chế tài xử lý, cấp trên có thể sẽ yêu cầu dừng dự án hoặc bố trí thêm vốn để đủ hoàn thành, không để dàn trải…

 

Hay như thứ tự ưu tiên trong sắp xếp, chẳng hạn hàng năm phải ưu tiên bố trí cho những công trình đã hoàn thành trong năm trước để hạn chế khối nợ xây dựng cơ bản gây khó khăn cho doanh nghiệp, thừa tiền mới bố trí cho dự án dở dang, sau rồi mới được bố trí cho các công trình mới (mới thì phải chứng minh được tính hiệu quả, khả thi…).

 

Có thể nói, các quy định này đã đánh trúng vào các hạn chế yếu kém và những nguyên nhân gây ra tình trạng dàn trải, không hiệu quả vừa qua.

 

Không chỉ có vậy, Chính phủ còn đề ra nhiều giải pháp rất căn cơ và chưa có tiền lệ: chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm trong đầu tư xây dựng cơ bản sang đầu tư trung hạn. Đây là cơ chế minh bạch nhất, chống tiêu cực, chống tham nhũng lãng phí, chống chạy chọt trong đầu tư.

 

Trước đây chúng ta bố trí vốn đầu tư theo năm, nhưng phải 5-7 năm mới xong một công trình, ít nhất 3 năm mới xong một chương trình nhóm C, nhóm A còn dài hơn nhiều. Vậy mà chủ đầu tư không biết mình có bao nhiêu tiền. Năm nay được bố trí từng này, năm sau lại trông chờ xem đi xin được bao nhiêu. Nếu như chúng ta không chủ động được thì sẽ không bao giờ tạo hiệu quả trong đầu tư được cả.

 

Hàng năm cứ phải đi xin như vậy sẽ tạo ra tiêu cực, không minh bạch và nhiều khi sử dụng vốn không hiệu quả.

 

Ngoài ra còn nhiều chính sách rất mạnh mẽ khác đã được triển khai trong thời gian qua và chúng ta đã hoạt động rất tích cực. Nếu nói tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ là đề bài thì không đúng! Chúng ta đã làm rất căn cơ và bài bản.


Tái cơ cấu đầu tư công nhiều cam go và áp lực

 

Việc tái cơ cấu đầu tư công theo hướng minh bạch, hiệu quả, trong quá trình đó có liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương. Vậy Bộ Kế hoạch Đầu tư có gặp khó khăn gì không?

 

Đúng là những quy định chế tài đều đã rất rõ ràng nhưng không phải mọi địa phương, mọi bộ ngành đều thực hiện một cách nghiêm túc, bởi họ chịu rất nhiều sức ép.

 

Có thể nói chúng ta đã quen cách làm được quyền quyết định, được quyền bố trí và còn nhiều vấn đề khác, nên không thể ngay lập tức mà các bộ ngành và địa phương đều tuân thủ răm rắp.

 

Năm đầu tiên là 2012 thực hiện Chỉ thị 1792 vô cùng cam go, đẩy lên đẩy xuống giữa Bộ KHĐT và các địa phương, rất căng thẳng. Họ chưa quen và chịu áp lực rất nhiều đối với các công trình dở dang, hơn nữa dù tiền ít nhưng vẫn muốn khởi công mới. Do đó, 2012 chúng tôi chậm giao kế hoạch và Quốc hội đã phê bình.

 

Chúng tôi nhận khuyết điểm, chịu chậm nhưng kiên quyết phải trật tự. Năm đó cũng còn rất nhiều công trình kiểm soát nhưng chế tài vẫn chưa thật chặt chẽ, tỷ lệ chấp hành 1792 không được như ý muốn. Còn phải thêm biểu gọi là “biểu giao sai”, biểu giao chưa đúng hoặc chưa giao.

 

2013 và kế hoạch 2014 thì tình hình đã rất tốt. Năm 2013 có tới 96,5% tổng vốn hỗ trợ của Trung ương cho các địa phương là chấp hành tốt. Có nghĩa là các bộ ngành và địa phương đã nhận thấy lợi ích và cũng đã quen với chế tài, nhận thức được rằng cần làm như vậy mới đỡ để lại hậu quả.

 

Trong chỉ thị 1792 có quy định về trách nhiệm đối với người ký dự án. Cho đến nay, theo quan sát của Bộ trưởng, đã có trường hợp nào bị xử lý căn cứ trên chỉ thị 1792 chưa?

 

Bộ KHĐT đã tổ chức rất nhiều đoàn thanh tra – giám sát để kết luận về chấp hành Chỉ thị 1792.

 

Những kết luận đó cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm trong bố trí không đúng theo Chỉ thị. Nhưng cấp độ mới đang chỉ dừng lại mức hành chính nhắc nhở. Đến phút này chưa có ai bị xử lý cả vì thời gian chưa dài và vẫn đang tiếp tục kiểm tra.

 

Chính phủ thì phải làm nghiêm để duy trì kỷ cương nhưng không mong muốn có kỷ luật – có kỷ luật chứng tỏ là đã chấp hành không nghiêm và nhiều sai phạm lớn. Chúng tôi nghĩ phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở thường xuyên và dùng những biện pháp như, nếu bố trí sai thì cắt vốn hoặc dồn vốn hoàn thành để không gây hậu quả nghiêm trọng. Để nghiêm trọng rồi mới mang ra xử lý là điều đáng tiếc. Tất nhiên, nếu ai mà cố tình làm sai thì tùy theo cấp độ phải xử lý.


Bệnh lãng phí và cơ chế xin - cho trong đầu tư công đã có thuốc giải (ảnh minh họa).

Bệnh lãng phí và cơ chế xin - cho trong đầu tư công đã có "thuốc giải" (ảnh minh họa).


Không lãng phí nào bằng sai lầm trong chủ trương

 

Tuy vậy nhìn bên ngoài thì có vẻ như tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ là siết chặt các khoản đầu tư nhưng còn một việc quan trọng khác là phải huy động vốn để thực hiện các dự án. Vậy hiện nay có khó khăn nào trong huy động vốn không thưa Bộ trưởng?

 

Giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng mức đầu tư toàn xã hội là một chủ trương đúng nhưng giảm đến mức độ nào? Bây giờ chúng ta cứ trông chờ ngân sách thì dẫu ngân sách tăng đến bao nhiêu % cũng không bao giờ đáp ứng được nhu cầu to lớn như vậy.

 

Một trong những giải pháp là phải huy động được nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và cung ứng các dịch vụ công.

 

Một là phải tăng trưởng kinh tế để có được nguồn thu ngân sách, bố trí cho đầu tư công, nhưng cái đó không thể đáp ứng được nhu cầu vốn ngày càng cao của sự phát triển.

 

Phải mở ra chương mới, để các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào, trọng tâm là đầu tư của tư nhân, gồm cả khu vực trong nước và nước ngoài.

 

Vừa qua, chúng ta làm đều rất ít, tất cả các địa phương, bộ ngành vẫn trông cậy vào nguồn vốn ngân sách đề đầu tư công. Mặc dù Nhà nước đã rất khuyến khích cho các thành phần ngoài nhà nước đầu tư vào thế nhưng khung pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện, tính ổn định cũng như hiệu quả để đầu tư ngoài nhà nước vào cũng chưa được nhiều.

 

Ví dụ như bệnh viện quá tải, nhưng làm thế nào để có khung chính sách để đảm bảo cho đầu tư vào thì có hiệu quả… Rồi trường mầm non, tiểu học tư thục cho đến cầu cảng đầu tư để thu phí… Tất cả đều phải mở ra.

 

Đây là một nội dung quan trọng trong đổi mới đầu tư công mà Chính phủ đang làm. Bộ KHĐT đang soạn thảo, hợp nhất Nghị định 108 và Quyết định 71 thành một Nghị định chung là Nghị định PPP về đối tác công - tư để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lớn cũng như các dịch vụ công, từ cung cấp nước sạch, xử lý rác thải đến xây dựng các công trình như đường sá, sân bay, bến cảng… Mục tiêu nhằm đến không chỉ doanh nghiệp trong nước (vì nguồn lực của các doanh nghiệp này nhỏ) mà chính là các tập đoàn lớn quốc tế, họ có kinh nghiệm.

 

Bộ trường vừa đề cập đề việc các địa phương được giao rất nhiều quyền. Tuy nhiên, Bộ trưởng có thể cho biết một vài nguyên tắc để người dân có thể giám sát công trình đó tại địa phương như thế nào không?

 

Điều quan trọng nhất trong đầu tư công hiện nay là minh bạch. Phải có cơ chế công khai, mà đầu tiên là kế hoạch đầu tư trung hạn được công bố. Tổng mức đầu tư 5 năm cho một địa phương là bao nhiêu, các dự án quan trọng sẽ được lựa chọn theo những tiêu chí nhất định.

 

Kế đến là những quy định, chế tài chặt chẽ. Tại kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công, có nhiều điểm mới. Một trong số đó là chủ trương đầu tư. Trước đó chúng ta khá dễ dãi, bây giờ muốn quyết định phải có quy trình nghiên cứu xem xét dự án có hiệu quả hay không, cần thiết hay không, với số vốn đó có thể làm được hay không làm được. Phải có quy trình chứ không thể quyết định một cách tùy hứng. Đây là khâu có thể chống lãng phí, thất thoát lớn nhất vì không lãng phí nào bằng lãng phí trong chủ trương đầu tư sai cả!

 

Kế hoạch trung hạn phải minh bạch, phải có cơ quan kiểm soát, có chế tài kiểm soát. Để cộng đồng tham gia, chúng tôi rất đồng tình, tới đây chúng tôi sẽ bổ sung vấn đề này vào Luật Đầu tư công. Tôi nghĩ là phải đưa ra thực tiễn, có hiệu quả.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Bích Diệp ghi
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm