Thoái vốn ngoài ngành:
"Không thể bán đổ bán tháo tài sản của nước, của dân"
(Dân trí) - Khẳng định không thể có một chính sách cụ thể nào giải quyết được tình trạng ách tắc trong thoái vốn ngoài ngành tại DNNN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, không thể vì bức xúc phải thoái vốn mà làm thất thoát tài sản và gây rối loạn thị trường.
"Với việc sản xuất, kinh doanh ấm lên, việc thoái vốn sẽ được tiến hành".
Trước câu hỏi của phóng viên về phương án cụ thể nhằm giải quyết bế tắc trong cơ chế thoái vốn ngoài ngành tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định "không thể có một chính sách nào giải quyết tình trạng này".
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo điều hành cương quyết thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu DNNN, trong đó, phải xác định rõ DNNN chỉ làm ở những lĩnh vực thực sự cần thiết liên quan đến quốc phòng an ninh, các lĩnh vực chưa hấp dẫn được những thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư. Đối với các lĩnh vực khác ngoài ngành nghề kinh doanh chính, DNNN được yêu cầu phải thoái vốn, đặc biệt là bất động sản, chứng khoán.
Nguyên tắc được đặt ra là phải thoái vốn nhanh nhất theo thị trường. Tuy nhiên, cách ví von "thoái vốn ngoài ngành cũng như đánh trận, có lúc lui lúc tiến, nhưng phải đúng" một lần nữa được người phát ngôn Chính phủ nhắc lại: Tài sản của Nhà nước, của nhân dân nên không thể bán đổ bán tháo cùng một lúc mà phải có lộ trình.
Khẳng định không thể có một chính sách mà giải quyết được vấn đề, Bộ trưởng cho biết, hiện tại, nhiệm vụ này đang được thực hiện đồng bộ, trong đó có việc siết vào từng doanh nghiệp, "thoái vốn ở đâu, như thế nào, phải tiến hành tất cả các biện pháp từ vốn, thuế, đến thị trường chứng khoán để cùng nhau giải quyết".
Ông cũng nhấn mạnh, "với một niềm tin là sản xuất, kinh doanh đã được phục hồi, thị trường ấm lên thì tất cả mọi thứ, cái nọ thúc đẩy cái kia, việc thoái vốn sẽ được tiến hành. Và tôi xin nhắc lại, không thể vì bức xúc phải thoái vốn ngay để làm thất thoát tài sản. Và ngoài thất thoát tài sản ra còn làm rối loạn thị trường nữa".
Theo thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp, đến cuối năm 2012, đã có 138 đơn vị xây dựng Đề án Tái cơ cấu và có 49 đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, trong đó có phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính. Tuy nhiên, kết quả thoái vốn của các DNNN khỏi các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính đến nay vẫn rất chậm chạp.
Liên quan đến việc tái cấu trúc của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và theo tinh thần của Nhà nước, phù hợp với Luật Cạnh tranh cũng như để thúc đẩy thị trường viễn thông, trong tái cơ cấu, VNPT chỉ được giữ một trong hai nhà khai thác thông tin di động MobiFone hoặc VinaPhone.
Hiện tại, với phương án mà VNPT và Bộ Thông tin - Truyền thông trình lên, Chính phủ đang trong giai đoạn cùng các bộ, ngành liên quan xem xét theo đúng quy trình xử lý, sau đó trình Thủ tướng quyết định. "Chắc chắn, trong VNPT sẽ chỉ còn 1 nhà khai khác để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường di động và thúc đẩy kinh tế phát triển", người phát ngôn Chính phủ nói.
Về vấn đề thanh tra việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi ngoài ngành, xây biệt thự, sân tennis và tính vào giá điện, chi tiêu mua ô tô vượt định mức, giao lỗ cho các đơn vị thành viên, Bộ trưởng khẳng định, tinh thần của Chính phủ là làm gì, có đặc thù hay không cũng phải đúng quy định pháp luật. Nếu sai thì nhất định phải sửa, còn tùy thuộc vào mức độ sai phạm của cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý. Chính phủ sẽ chỉ đạo làm đúng theo quy định và sẽ công khai minh bạch toàn bộ kết quả thanh tra với báo chí và nhân dân.
Bích Diệp