1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chậm thoái vốn ngoài ngành, lãnh đạo sẽ bị cách chức

(Dân trí) - Một trong những đề xuất mà Bộ Tài Chính đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 tới là có thể cách chức đối với lãnh đạo DNNN trì hoãn, không tiến hành thoái vốn ngoài ngành.

Sắp có biện pháp "mạnh" với DNNN chậm thoái vốn ngoài ngành

Nhằm thúc đẩy quá trình thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo đúng lộ trình đã phê duyệt, Bộ Tài chính đang lên kế hoạch về nhóm giải pháp hành chính để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét vào tháng 8 tới.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết: Bộ đang soạn thảo các biện pháp “mạnh và phù hợp” để buộc các DNNN tiến hành thoái vốn ngoài ngành theo đúng lộ trình đã phê duyệt.

Một trong những biện pháp hành chính đề xuất của Bộ Tài Chính là có thể cách chức đối với lãnh đạo DNNN trì hoãn, không tiến hành thoái vốn ngoài ngành. Dự kiến, đề xuất nhóm giải pháp sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét vào tháng 8 tới, ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, nhiều DNNN chậm thoái vốn ngoài ngành lấy lý do không muốn bán cổ phần ở thời điểm hiện tại khi giá cổ phiếu, bất động sản giảm và sẽ khiến họ thua lỗ.

Do đó, theo đại diện Bộ Tài chính: “Chúng ta cần các biện pháp hành chính mạnh như vậy để buộc các lãnh đạo DNNN thực sự đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành. Các doanh nghiệp chậm thoái vốn đến nay sẽ buộc phải đẩy nhanh tiến độ hoặc chịu xử lý”.

Thoái vốn ngoài ngành là bắt buộc đối với DNNN.

Thoái vốn ngoài ngành là bắt buộc đối với DNNN.

Theo số liệu mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2, DNNN hiện chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% đầu tư nhà nước, 60% vốn vay từ ngân hàng và chiếm tới hơn 1 nửa tổng nợ xấu. Do đó, tái cơ cấu DNNN là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Theo cảnh báo của World Bank, việc chậm trễ tái cấu trúc đối với ngân hàng và DNNN có thể ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư, làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Còn chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase ở Singapore - Matt Hildebrandt thì nhận định, quá trình cải cách DNNN của Việt Nam có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

Miễn nhiệm cán bộ gây lãng phí

Liên quan tới việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các DNNN, hôm qua 29/7, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp; không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước; kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các giải pháp và lộ trình để khẩn trương thoái vốn đã đầu tư vào các ngành nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Cũng theo chỉ thị của Thủ tướng, lãnh đạo các doanh nghiệp cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư của các chủ đầu tư và công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc công tác công khai việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước như: Công khai các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành; công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao; công khai việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, DNNN rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, tiêu chuẩn về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp chưa ban hành quy chế, tiêu chuẩn trong lĩnh vực này phải khẩn trương xây dựng để thực hiện.

Đồng thời, các đơn vị cần rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và đúng số lượng theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; chỉ tuyển dụng thêm lao động, bổ nhiệm cán bộ khi thực sự có nhu cầu.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý kỷ luật, miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những cán bộ, lao động có hành vi không tiết kiệm, gây lãng phí; kiên quyết xử lý các trường hợp trả lương, thưởng không đúng đối tượng, không gắn với năng suất lao động và kết quả sản xuất kinh doanh.

An Hạ