1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hạn chót cho các tập đoàn thoái vốn đầu tư ngoài ngành

(Dân trí) - Lãnh đạo Chính phủ vừa thống nhất quyết nghị thời hạn bắt buộc các tập đoàn, Tcty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính là đến năm 2015. Việc thoái vốn đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bach.

Các tập đoàn được lệnh hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015.
Các tập đoàn được "lệnh" hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015.
 
Ngày 9/7, tập thể Chính phủ đã chính thức quyết định phương án xử lý trước tình hình đầu tư ra ngoài ngành và phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo cơ chế thị trường, được nêu tại Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành ngày 9/7/2012.

Theo đó, Chính phủ nhận định, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các Tập đoàn, TCty là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN.

Chính phủ yêu cầu, từ nay đến năm 2015, các Tập đoàn, TCty phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.

Các Tập đoàn, Tcty được yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể. Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh được giao xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tcty sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.

Chính phủ nhấn mạnh, việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng Tập đoàn, Tcty, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Chính phủ giao Bộ Tài chính cử kiểm soát viên tại các Tập đoàn, Tcty để theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thoái vốn của các DNNN.
 

Theo số liệu của Đảng ủy khối Doanh nghiệp TƯ, hiện có 21/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, với tổng số vốn hơn 22.590 tỷ đồngtương đương 1 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Sông Đà đầu tư ngoài ngành lên tới 6.942 tỷ đồng, vượt 2.355 tỷ so với vốn điều lệ, PVN đầu tư 83% vốn ngoài ngành (khoảng 5.400 tỷ), EVN hiện cũng chưa kịp thoái vốn tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành với số vốn lên đến 2.100 tỉ đồng, chiếm 3% vốn điều lệ. Trong khi, EVN vẫn đang gánh khoản lỗ 10.000 tỷ đồng.

Hầu hết các tập đoàn báo cáo, việc đầu tư ra ngoài ngành vẫn đảm bảo thấp hơn tỷ lệ cho phép là 30% vốn điều lệ. Ví dụ, tập đoàn Dầu khí PVN phần đầu tư ngoài ngoài chiếm 3,76% vốn điều lệ, tỷ lệ này ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 2,8%... Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới đây đã quyết định thoái toàn bộ vốn góp tại 4 doanh nghiệp là Bảo hiểm Hàng không (50 tỷ đồng), CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV (10,5 tỷ đồng), CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà (47,8 tỷ đồng) và CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành (7,5 tỷ đồng)…

P.Thảo