Không nhận tiền xu là gián tiếp làm tăng giá hàng hóa

Sau gần 2 năm lưu thông trên thị trường, tiền xu đã bắt đầu bộc lộ những nhược điểm như nhanh xỉn đen, dễ thất lạc... Chính vì vậy, người dân ở nhiều tỉnh phía Bắc từ chối không nhận tiền xu.

Về trường hợp này, ông Hồ Hữu Hạnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết:

 

Đúng là tiền xu có một số nhược điểm như nặng, dễ rớt nên người dân không muốn giữ. Thế nhưng, cần nhìn nhận tính hiệu quả của nó trong khoảng thời gian dài. So với cả nước, lượng tiền xu mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đưa vào lưu thông khá tốt. 

 

Thời gian đầu cũng có nhiều người từ chối thanh toán bằng tiền xu nhưng hiện nay người dân không còn thái độ đó nữa. Trong 8 tháng đầu năm, lượng tiền xu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đưa ra lưu thông trên thị trường tăng 50% so với cả năm 2004. 2 năm trở lại đây, Nhà nước không phát hành thêm tiền giấy mệnh giá nhỏ nên người tiêu dùng chấp nhận sử dụng tiền xu khi mua hàng hóa.

 

Cần phải nói rằng việc không thừa nhận tiền xu, không sử dụng nó khi mua bán lại chính là hành vi tiếp tay cho việc nâng giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là trong trường hợp người bán không có tiền mệnh giá nhỏ để thối lại.

 

Hiện nay, một số đơn vị kinh doanh trên địa bàn TPHCM đã sử dụng máy bán hàng tự động bằng tiền xu. Trong tương lai, khi hệ thống này phát triển thì lượng tiền xu sẽ lưu thông nhiều hơn.

 

Trong quá trình lưu thông sử dụng, nếu đồng tiền xu bị xỉn màu, người tiêu dùng có thể đến các ngân hàng thương mại để đổi lại.

 

Theo Thanh Xuân

Báo Thanh niên