Không lo “đô la hoá” khi phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ

(Dân trí) - “Chúng tôi ủng hộ Chính phủ phát hành trái phiếu bằng nội và ngoại tệ để huy động nguồn lực cho đầu tư. Lần phát hành trái phiếu này là bình thường, bởi huy động được USD qua hệ thống ngân hàng, qua hệ thống ngân sách là một giải pháp chống đô la hóa”.

Không lo “đô la hoá” khi phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ - 1
Nhà nước quản lý rất chặt nên không sợ đô la hóa (ảnh: Hữu Nghị).
 
Ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định như vậy trước một số lo ngại việc phát hành trái phiếu bằng USD mà Chính phủ đang tiến hành sẽ làm cho tình trạng “đô la hóa” tăng thêm.
 
“Đô la hoá” ở Việt Nam đang giảm
 
Theo ông Lê Đức Thuý, từ trước tới nay Việt Nam có hai loại dự trữ ngoại hối. Loại chính thức được Ngân hàng Nhà nước quản lý dùng để thực thi chính sách tiền tệ, với phần dự trữ nhỏ hơn do Bộ Tài chính nắm giữ để chi tiêu khi cần thiết và loại dự trữ của quốc gia (còn gọi là tài khoản ngoại tệ ròng của nền kinh tế).
 
Trong dân cư cũng có những khoản dự trữ ngoại hối, nhưng không nằm trong diện được thống kê chính thức. Huy động những khoản tiền ấy và đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến dự trữ, cán cân thanh toán, thậm chí nếu biết cấu trúc còn có thể đưa vào dự trữ (bởi chi tiêu trong nước không hẳn đã tiêu bằng ngoại tệ).
 
“Chúng tôi ủng hộ việc Chính phủ phát hành trái phiếu bằng nội và ngoại tệ để huy động nguồn lực cho đầu tư. Ngân sách hiện nay là thu ít hơn khả năng dự toán, khả năng bội chi lại lớn, do đó nhất định phải đi vay bằng con đường trái phiếu Chính phủ”.
 
Trước lo ngại việc phát hành trái phiếu bằng USD có làm tăng thêm tình trạng “đô la hoá” nền kinh tế, nguyên Thống đốc NHNN cho biết, vấn đề đô la hoá được hiểu theo hai phương diện.
 
Đó là đô la hoá trong hoàn cảnh dùng nhiều USD trong nền kinh tế, nhất là USD đó nằm trong dân cư. Còn việc huy động USD qua hệ thống ngân hàng, ngân sách lại là một giải pháp chống USD hoá.
 
“Tôi đã từng làm việc với chuyên gia của JICA, họ đánh giá đô la hoá ở Việt Nam đang giảm vì tiền gửi USD vào ngân hàng tăng. Điều này nghĩa là những đồng tiền trôi nổi ngoài thị trường đã đi vào hệ thống chính thức. Cho nên chúng ta phải nhìn điều đó để đánh giá mức độ USD hoá chứ không phải ở góc độ huy động trái phiếu bằng ngoại tệ là đô la hoá.
 
Nếu Chính phủ huy động bằng ngoại tệ nhưng không dùng đến nó thì có thể bán ngoại tệ lấy nội tệ để chi tiêu. Ngoại tệ đó được bán cho những người cần dùng một cách chính thức, thì không phải là USD hoá”.
 
Cần có mức lãi suất hợp lý
 
Tại “Hội nghị triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ đợt 1/2009” diễn ra tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 17/3, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) cho hay: Quyết định lãi suất đúng, hợp lý đối với quyền lợi của các bên là vô cùng quan trọng. NHNN đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại bố trí cân đối nguồn vốn, tham gia đợt phát hành này.
 
Theo kế hoạch, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu, được thực hiện qua hình thức ghi sổ và đấu thầu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với 3 loại kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm. Khối lượng phát hành của mỗi loại kỳ hạn là 100 triệu USD.
 
Các vấn đề như: phí giao dịch khi trái phiếu ngoại tệ được đưa vào giao dịch, đối tượng đấu thầu, lãi suất trúng thầu… là mối quan tâm của các thành viên đấu thầu và nhà đầu tư.
 
Về vấn đề này, đại diện cơ quan quản lý khẳng định, phí giao dịch được xác định bằng VNĐ, tính theo tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố tại ngày giao dịch.
 
Lãi suất trúng thầu được xác định trên sơ sở kết quả đấu thầu; trong đó, lãi suất đặt thầu được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) có phần thập phân tối đa là 2 chữ số. Lãi suất trần do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.
 
Đối tượng tham gia chính của đợt đấu thầu này là các ngân hàng thương mại có dự trữ ngoại tệ. Nhận định về lãi suất khi phát hành trái phiếu, ông Lê Đức Thuý cho biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại huy động ngoại tệ ở mức 2,5 - 3%.
 
Chúng ta không thể so sánh lãi suất phát hành trái phiếu ở Việt Nam với Mỹ, bởi độ tín nhiệm của Việt Nam còn thấp.
 
“Nếu bình luận thì chỉ có một điều là phải có lãi suất thích hợp để có thể huy động được và đừng quá so kè việc phải vay với lãi suất thấp hơn của ngân hàng. Vì trong bối cảnh đặc thù này, chấp nhận trả lãi suất có thể hơi cao một chút, nhưng vay được lúc này còn tốt hơn là không vay được bởi nó sẽ làm chậm trễ các tác động của chính sách kích cầu”, ông Thuý nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền