1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Không in thêm tiền giấy mệnh giá nhỏ

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Cục phó Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xu hướng thay thế toàn bộ tiền cotton bằng tiền polymer là điều khó tránh khỏi. Và những đồng tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống cũng sẽ chỉ còn là tiền kim loại.

Nhiều người cho rằng, việc chúng ta lưu hành song song ba loại tiền cotton, polymer và tiền kim loại như hiện nay đang gây phiền hà cho người sử dụng?

 

Tôi đồng tình với nhận xét này. Bộ tiền lưu hành của một quốc gia cần có sự thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất liệu... để thuận lợi cho người sử dụng trong nhận biết, bảo quản và sử dụng, nhất là trong điều kiện ứng dụng các thiết bị kiểm đếm, xử lý tiền tự động như hiện nay.

 

Tuy nhiên, khi chuyển đổi bộ tiền trong lưu thông, các nước đều phải tính toán bước đi phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Cách làm của nhiều nước là tiếp tục lưu hành bộ tiền cũ trong thời gian nhất định kể từ ngày phát hành tiền mới.

 

Vậy đến bao giờ Ngân hàng Nhà nước mới thay tất cả tiền cotton bằng tiền polymer?

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến về việc nên thay toàn bộ tiền giấy bằng tiền polymer cho đồng bộ. Trong dự định của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng ưu tiên việc thay đổi này.

 

Thực tế, với các mệnh giá đang lưu hành song song cả tiền polymer và tiền cotton thì hầu hết người tiêu dùng thích sử dụng tiền polymer hơn. Từ khi phát hành tiền mới, Ngân hàng Nhà nước đã không in tiếp các đồng tiền cotton 50.000 và 100.000 đồng.

 

Khi đã phát hành tiền kim loại thì Nhà nước cũng nên ngừng lưu hành tiền giấy mệnh giá nhỏ sớm?

 

Mục đích khi đưa ra tiền kim loại mệnh giá thấp là để tiết kiệm chi phí in ấn, phát hành tiền giấy nhỏ. Tất nhiên chúng tôi ủng hộ quan điểm đó. Nhưng đứng về khía cạnh quản lý, cần làm sao để tiết kiệm ngân sách. Nếu đã tốn chi phí in ra một đồng tiền mà bỏ ngay đi khi đồng tiền chưa hết tuổi sử dụng sẽ là một lãng phí lớn.

 

Gần đây có thông tin  Ngân hàng Nhà nước đã không in tiền giấy mệnh giá nhỏ, từ 5.000 đồng trở xuống?

 

Trong năm 2004 và 2005 Việt Nam đã không in thêm tiền giấy mệnh giá nhỏ như đồng tiền 100, 200, 500, 1.000 và 2.000 đồng. Ngân hàng giữ lại những đồng tiền cũ nát và quay vòng ra lưu thông những đồng tiền còn sử dụng được. Đây là điều bình thường trong điều hành nghiệp vụ phát hành tiền của Ngân hàng Nhà nước.

 

Đồng tiền 100 và 200 đồng gần như đã không còn được sử dụng, Ngân hàng Nhà nước có duy trì sự lưu hành của hai loại tiền này?

 

Việc một nước phát hành một đồng tiền phải tương xứng với giá trị lưu hành của hàng hóa trên thị trường quốc gia đó. Các nước châu Âu có đồng 1 cent, Mỹ cũng vậy, đồng 1 cent của Mỹ có giá trị chỉ bằng 150 đồng Việt Nam. Và vẫn có nhưng mặt hàng giá trị tương đương để mua.

 

Chúng ta hiện có đồng tiền giấy 100 đồng là mệnh giá nhỏ nhất, nhưng ít được công chúng quan tâm. Thậm chí có ý kiến cũng cho rằng không nên có đồng tiền 200 đồng vì không ai tiêu. Nhưng tôi cho rằng 200 đồng rất cần thiết với những vùng người dân còn nghèo.

 

Ở thành phố tuy không cần bằng nhưng vẫn có thứ để mua. Nếu bỏ đồng tiền 200, đương nhiên đồng tiền nhỏ nhất ở Việt Nam là 500 đồng. Điều đó làm cho giá cả vô tình lại bị đẩy lên cao.

 

Theo chuẩn nghèo ở Việt Nam, một gia đình nghèo chỉ thu nhập đầu người có hơn 100.000 đồng/tháng, tức vẫn còn có những gia đình thu nhập một ngày chưa đến 5.000 đồng. Nói như vậy để thấy đồng tiền 200 đồng vẫn còn to đối với rất nhiều người dân.

 

Vậy, theo ông, tỷ lệ dùng tiền xu hiện có tăng lên so với trước?

 

Đúng là đến nay lưu thông tiền kim loại tại một số nơi còn khó khăn. Tuy nhiên, thói quen tiêu tiền xu đang có những chuyển biến rất tích cực. Lượng tiền kim loại đưa vào lưu thông hàng tháng trong năm 2005 gấp khoảng ba lần bình quân các tháng của năm 2004.

 

Đặc biệt, trong tháng 8 và 9 vừa qua, tiền xu đã được phát hành rất cao. Đồng tiền trong lưu thông theo tôi cũng như vết dầu loang. Nếu mình thấy trong bốn người mà có hai người dùng thì mình cũng sẽ dùng. Tôi hy vọng người dân sẽ dùng tiền xu nhiều hơn.

 

Theo SgEconomy