Không được kinh doanh tại căn hộ chung cư

(Dân trí) - Nghị định mới ban hành của Chính phủ cho phép kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Nghị định số 99/2015/NĐ-CP vừa ban hành hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ 10/12/2015 quy định, trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư, nghiêm cấm kinh doanh vũ trường, sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc và các hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường khác.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định nghiêm cấm chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư; kinh doanh vật liệu gây cháy nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy;…

Nghị định 99 cho phép kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư. Cụ thể, trong trường hợp kinh doanh dịch vụ này thì phải đảm bảo cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh bị yêu cầu phải chấm dứt trong vòng 6 tháng sau khi Nghị định 99 có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp trong giấy tờ đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh trước ngày 1/7/2015, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày 10/12/2015; quá thời hạn này (tức sau ngày 10/06/2016), tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.

Trên thực tế, tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng, hầu hết các tầng trệt của toà nhà chung cư đều được sử dụng làm nhà hàng, cửa hàng kinh doanh hay phòng giao dịch ngân hàng, phần nào gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và an ninh trật tự của toà nhà. Thậm chí, tại nhiều nơi, người dân còn tận dụng cả căn hộ chung cư để mở hàng quán, gây bức xúc cho cư dân sinh sống trong khu. 

Trao đổi về những điểm nội dung trên trong Nghị định 99, Luật sư Trương Thành Đức cho rằng, sẽ có 2 vấn đề xảy ra cả tốt và không tốt. Nếu nói về chung cư thì phải an toàn, không ồn ào, đảm bảo môi trường sống, do đó, việc mở nhà hàng, quán bar ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới đời sống của cư dân. Tuy nhiên, một mặt, chung cư phải có tiện ích đi kèm, đa số chung cư có công năng hỗn hợp, có 1-5 tầng đế làm thương mại có thể dùng để kinh doanh các dịch vụ không bị cấm.

"Theo đúng lý tưởng của luật thì hàng quán phải cách âm, không được gây ồn, không ảnh hưởng đời sống của dân cư, cách âm tốt.  Làm bài bản, chất lượng cao thì có thể chấp nhận được", ông Đức nói.

Tuy nhiên, Luật sư cũng cho rằng: "Ngoài việc Nghị định hướng dẫn vẫn cần các quy định kĩ thuật cụ thể về các mức giới hạn tiếng ồn, mùi... Chủ quán nói không ồn nhưng cư dân kêu ồn thì cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Do đó, phải có quy định cụ thể để không gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện".

Phương Dung

Không được kinh doanh tại căn hộ chung cư - 2