Tết Mậu Tuất 2018:

Không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông, tiết kiệm 280 tỷ đồng

(Dân trí) - Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Năm nay, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán, giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng.

Chiều nay 8/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo về việc đảm bảo tiền mặt và an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018.

Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ cho biết: Năm nay, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán.

Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng.

NHNN thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ cho biết, việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích đã hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Về nhu cầu tiền mặt, ông Lâm khẳng định nhu cầu tiền mặt trong dịp năm mới sẽ được đáp ứng đầy đủ. Cơ quan quản lý sẽ đưa tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên ra lưu thông.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, để bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018, ngoài việc thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo tổ chức tín dụng về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM, NHNN đã có văn bản chỉ đạo trên toàn quốc.

Và để bảo đảm cung ứng tiền, hiện nay một số chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải có phương án khi ATM quá tải thì phải chi trả lương bằng tiền mặt tại chỗ cho người lao động; cùng với đó lad khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu ngân hàng vi phạm khi để ATM ngừng hoạt động 24h, để ATM hết tiền để quá thời gian theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu tiền mặt Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, tập trung mọi nguồn lực, sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến.

"Như vậy có thể khẳng định, NHNN hoàn toàn có thể đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018. Về nguyên tắc, NHNN đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ, mới); nhưng cũng như mọi năm, trong dịp Tết Nguyên đán, NHNN vẫn quan tâm đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân", đại diện NHNN nhấn mạnh.

Đồng thời, NHNN có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu cầu thanh toán của các đơn vị, tổ chức và cá nhân; đảm bảo các máy ATM hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

An Hạ

Không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông, tiết kiệm 280 tỷ đồng - 2