“Không có lý do gì phải vội vàng bán cổ phiếu”

“Các yếu tố vĩ mô và triển vọng thị trường đang rất tốt thì không có lý do gì để vội vàng bán làm thị trường chứng khoán sụt giảm”...

“Các yếu tố vĩ mô và triển vọng thị trường đang rất tốt thì không có lý do gì để nhà đầu tư đưa ra quyết định bán vội vàng làm thị trường chứng khoán sụt giảm như vậy”, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ như vậy trước diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/1.


Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Lực cầu rất lớn sẵn sàng đợi bắt đáy”

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 18/1 đang phản ánh điều gì thưa ông? VN-Index có lúc giảm tới 24,8 điểm, tương đương giảm 4,56%. Mức giảm này có được xem là nghiêm trọng không?

Trong những ngày đầu năm 2016, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh như Đức, Nhật Bản giảm 7%, đặc biệt Trung Quốc giảm 18% trước tác động của tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm 8% và có sự biến động mạnh mặc dù triển vọng kinh tế được đánh giá khá tích cực, đã cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư đối với tác động của tình hình kinh tế các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Trên thực tế, những diễn biến các năm qua và thời gian gần đây cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã hoạt động ngày càng ổn định hơn so với thời kỳ cách đây 5 năm, đồng thời vẫn đang khẳng định xu thế phục hồi từ năm 2012 đến nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu có sự sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nhất định, một cách gián tiếp từ thị trường quốc tế và diễn biến giá dầu quốc tế.

Trong 2 tuần qua, sự sụt giảm thị trường chứng khoán Việt Nam không tách rời khỏi xu hướng sụt giảm chung của thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức giảm rất mạnh của thị trường chứng khoán thế giới những ngày đầu năm 2016, thì thị trường Việt Nam sụt giảm không nhiều.

Tuy nhiên, mức sụt giảm ngày 18/1 là đáng quan tâm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang theo dõi rất chặt diễn biến này để có những xử lý kịp thời.

Một chi tiết quan trọng đáng lưu tâm là mặc dù chỉ số giảm nhưng thanh khoản rất lớn. Cho đến cuối phiên giao dịch ngày 18/1, giá trị giao dịch toàn thị trường đã đạt 3.010 tỷ đồng.

Mức độ thanh khoản của thị trường trong ngày 18/1 đã tăng hơn 30% so với ngày thứ 6 (15/1). Điều đó cho thấy một tín hiệu khả quan, là đang có một lực cầu rất lớn sẵn sàng đợi để bắt đáy thị trường.

Vì sao sụt giảm?

Vậy nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là gì, thưa ông?

Theo dõi diễn biến phiên giao dịch thời gian qua, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là tâm lý.

Tâm lý bi quan xuất phát từ thông tin không mấy tích cực từ các báo cáo trong nước công bố cuối tuần qua trích dẫn về việc một số nền kinh tế lớn đi xuống, thể hiện tâm lý ảm đạm tại thì trường quốc tế, về tình hình tương đối bi quan đối với thị trường chứng khoán quốc tế.

Có thể điều này khiến cho nhà đầu tư và bộ phận phân tích của công ty chứng khoán có thể bi quan theo phong trào.

Yếu tố thứ hai liên quan đến giá dầu. Sau khi có thông tin Iran được dỡ bỏ cấm vận thì không loại trừ giá dầu quốc tế sẽ còn xuống thấp hơn. Điều này có thể tạo ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực này.

Margin có đáng ngại?

Một trong những yếu tố mà thị trường lo lắng là áp lực giải chấp đã đến mức báo động. Ở góc độ cơ quan quản lý, tình hình margin đã thực sự đến mức báo động chưa?

Theo cập nhật của chúng tôi, đến ngày 15/1/2016, lượng giải chấp cổ phiếu tại các công ty chứng khoán lớn chỉ khoảng 5% so với tổng dự nợ cho vay ký quỹ của toàn thị trường so với ngày 31/12/2015.

Lượng giải chấp trong 2 tuần như vậy cho thấy chưa có dấu hiệu bất thường và tác động của giải chấp cổ phiếu là hầu như không đáng kể.

Trước diễn biến không mấy tích cực này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những giải pháp gì?

Trước mắt, chúng tôi vẫn tăng cường công tác giám sát, đặc biệt là yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo hàng ngày về hoạt động giải chấp, giao dịch ký quỹ, các giao dịch lớn và các mã giao dịch lớn trong ngày.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán báo cáo hàng ngày về tình hình giao dịch. Nếu có bất kỳ giao dịch lạm dụng thị trường sẽ bị xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, yêu cầu các công ty chứng khoán trong hoạt động phân tích, nhận định của mình về thị trường hàng ngày phải khách quan và theo tinh thần xây dựng, tránh xu hướng chủ quan, làm ảnh hưởng đến tâm lý không ổn định của nhà đầu tư và thị trường.

Tất cả vấn đề này sẽ rất cẩn trọng, phải bám sát thực trạng của nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp.

“Hạn chế tối đa giải pháp phi thị trường”

Trong trường hợp thị trường tiếp tục giảm sâu hơn nữa thì Ủy ban Chứng khoán có áp dụng các biện pháp mạnh hơn như dừng giao dịch... không thưa ông?

Quan điểm điều hành thị trường của chúng tôi là hạn chế tối đa các giải pháp hành chính, phi thị trường.

Trước mắt, nhà đầu tư cần bình tĩnh và đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế và thực trạng thị trường chứng khoán.

Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh đưa ra các quyết định đầu tư xa rời so với thực tế, từ đó bị thiệt hại từ các hoạt động đó.

Về lâu dài, chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện các giải pháp để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Với các nhà đầu tư, ông có khuyến nghị gì?

Trong lúc này, các nhà đầu tư phải bình tĩnh, tránh có những quyết định theo phong trào. Các quyết định đầu tư nên cân nhắc đến các yếu tố vĩ mô, được xem là nền tảng cho thị trường chứng khoán phát triển.

Các yếu tố vĩ mô và triển vọng thị trường đang rất tốt thì không có lý do gì để nhà đầu tư đưa ra quyết định bán vội vàng làm thị trường sụt giảm như vậy.

Theo Hoàng Xuân
Vneconomy

 

“Không có lý do gì phải vội vàng bán cổ phiếu” - 2