Không cấm cản nhưng sẽ hạn chế số lượng Uber và Grab tại Việt Nam
(Dân trí) - Sau kiến nghị của Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hoà về việc dừng cấp mới số lượng xe hợp đồng điện tử vì gây tắc đường, phá vỡ quy hoạch giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Bộ không cấm cản Uber và Grab nhưng sẽ đưa hoạt động vào khuôn khổ, trước mắt tạm thời dừng cấp mới tại 5 thành phố thí điểm.
Nguyên tắc của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là thị trường mở, không có chuyện cấm cản hay áp đặt số lượng nào cả, bài toán ở đây là quản lý thế nào và phải tiến hành quy hoạch cả xe taxi và xe hợp đồng.
"Chúng ta phải quy hoạch số lượng xe bao nhiêu là đủ, đến lúc nhiều rồi thì phải đấu thầu số lượng này. Bộ không cấm nhưng sẽ yêu cầu số lượng xe taxi, số lượng xe hợp đồng phát triển đủ để đảm bảo cung không vượt cầu", Thứ trưởng Trường nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đồng tình với ý kiến của Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa về việc cần thống nhất logo cho xe hợp đồng để tiện quản lý, xử phạt. Bên cạnh đó, ông Trường cho biết, thời gian tới, xe hợp đồng phải đăng ký thông qua các Sở, giao toàn bộ việc kiểm soát số lượng cho các sở. Nếu phát hiện xe trá hình hợp đồng điện tử, xử lý nghiêm vi phạm. Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế pháp luật, hoàn thiện chính sách.
"Vừa rồi TP.HCM có xử lý phạt 10 triệu đồng xe vi phạm không đăng ký xe hợp đồng điện tử nhưng chạy hợp đồng điện tử. Nhưng chúng ta có cơ sở pháp lý đâu mà xử phạt họ. Vì vậy cần phải có cơ sở pháp lý trước. Bên cạnh đó, DN cũng phải hiểu, không đăng ký hợp đồng mà dùng phần mềm chạy xe hợp đồng điện tử là không được", ông Trường nói.
Tuy nhiên, ông Trường cũng nói rõ quan điểm của Bộ GTVT: "Loại hình vận tải kiểu như Uber ngày càng phát triển, đó là tất yếu của cuộc sống. Thành phố, đô thị sẽ ngày càng thông minh hơn, người sử dụng biết mấy phút nữa có người đến đón. Tại sao taxi truyền thống không áp dụng điện tử vào, tại sao taxi có hiện tượng xe chạy từ quận này sang quận kia đón khách, đánh chửi tranh giành khách của nhau. Quá trình hội nhập chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh, nếu không thay đổi thì bị loại ra khỏi cuộc chơi."
Ông Trường cho hay: Vừa rồi Bộ chấp nhận cho Uber thí điểm và DN này cũng cần thực hiện đăng ký số lượng xe với Hà Nội, TP.HCM. Các Sở cần phải chấp nhận thực tế và cho DN đăng ký xe, tránh trường hợp trên đồng ý nhưng dưới không đồng ý, các địa phương phải chấp nhận thực tế ấy.
"Các bên phải thỏa thuận nếu chấp thuận cho phép còn vi phạm thì xử lý. Cam kết pháp lý phải cao để nếu bên vi phạm, chính quyền có thể đưa ra tòa vừa dựa vào đó phải xử lý được. Sau cuộc họp này, các Sở phải có vai trò quyết định, trên nguyên tắc là không cấm nhưng phải dựa trên các cam kết của Nhà nước", ông Trường nói.
Ông Trường đề nghị: Tạm thời 5 thành phố đang thí điểm lập quy hoạch xem xét, tạm thời dừng cấp phép mới xe hợp đồng điện tử để đánh giá chương trình thí điểm.
Gần đây, người ta nói ra rả về Cách mạng 4.0, về kết nối công nghệ, kinh tế sẻ chia. Loại hình xe có kết nối như Uber, Grab đang phát triển mạnh tại nhiều nước phát triển. Đó là cái tốt, cái được của xã hội và được người dân đón nhận. Nếu bảo tắc đường, phá vỡ quy hoạch giao thông đô thị thì phải xem lại văn bản pháp lý nào, cơ sở nào chứng minh? "Chúng ta không nên cấm và không thể cấm được. Quan trọng là chúng ta phải xây dựng cơ chế quản lý, giám sát phù hợp để theo kịp với yêu cầu của đời sống hiện đại", đại diện Bộ Tư Pháp nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: "Các DN Grab và Uber là các DN có yếu tố nước ngoài thì cần chơi minh bạch. Cuộc chơi này chúng ta và không thể dừng bởi khi đã chấp nhận thí điểm thì không thể dùng mệnh lệnh hành chính được. Điều cốt tử ở đây là công khai minh bạch, có lãi nộp thuế, thế giới cũng làm điều tương tự như thế.
"Grab và Uber đều là sản phẩm của nước phát triển, nước có nền tư pháp, hành pháp và chính sách thuế tốt. Chúng tôi cũng yêu cầu "các anh" chơi sòng phẳng, minh bạch. Tại sao Tổng cục Thuế mới chỉ thu được hơn 30 tỷ đồng tiền thuế của Grab, trong khi số lượng xe của họ phát triển rất mạnh, các DN taxi đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, rõ ràng về chính sách thuế, tôi đảm bảo Bộ Tài chính chưa quản lý được Grab hay Uber", ông Thanh cho hay.
Nguyễn Tuyền