1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khởi nghiệp cạnh WC và kết quả sau 3 năm của chàng trai mê vệ sinh đồ hiệu

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Vũ Mạnh Thắng - chủ cửa hàng spa đồ hiệu ở Sydney (Australia) - khởi nghiệp từ số vốn gần 2 triệu đồng chia sẻ về những điểm thú vị của công việc "làm đẹp đồ hiệu" cho chị em phụ nữ.

Khi xã hội phát triển, sau khi thỏa mãn nhu cầu thiết yếu, những người có mức thu nhập ổn định dần chuyển sang việc đáp ứng nhu cầu của bản thân ở những tầng cao hơn (trong tháp nhu cầu Maslow). Sở hữu hàng hiệu cao cấp là một trong những nhu cầu khẳng định bản thân. Việc có trong tủ đồ những chiếc áo, quần, túi xách, giày dép hàng hiệu dần trở nên phổ biến.

Xoay quanh những món đồ hiệu có khá nhiều ý tưởng kinh doanh ra đời. Một trong số đó là nghề spa đồ hiệu. Spa đồ hiệu là công việc sửa chữa, vệ sinh, làm mới những món đồ hàng hiệu. Trên thực tế, chưa có trường lớp, khóa đào tạo nào liên quan đến công việc này. Tất cả đều hình thành dựa trên kinh nghiệm thực tế của người làm công việc trên. 

Anh Vũ Mạnh Thắng (sinh năm 1992) - chủ cửa hàng spa đồ hiệu ở Sydney (Australia) có những chia sẻ về công việc này. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Quản lý Công nghiệp, anh học thêm thạc sĩ Marketing tại trường Central Queensland University (Australia).

Tuy nhiên, sau tốt nghiệp, anh nhận ra bản thân phù hợp với một hướng đi mới thay vì tập trung theo đuổi công việc đúng ngành học. Anh cho rằng việc tìm kiếm và phát triển công việc ở thị trường ngách sẽ mang đến nhiều cơ hội cho một người học tập và sinh sống ở nơi xứ người như anh. 

Chia sẻ về lý do làm việc trái ngành, Thắng thừa nhận bản thân không dành nhiều thời gian để nâng cao kiến thức về ngành. Từ đó, kiến thức nền không rộng bằng bạn bè bản xứ. Do vậy, cơ hội việc làm của anh khá hạn hẹp.

Khởi nghiệp cạnh WC và kết quả sau 3 năm của chàng trai mê vệ sinh đồ hiệu - 1

Vũ Mạnh Thắng - chủ cửa hàng spa đồ hiệu ở Sydney (Australia) (Ảnh: Mạnh Thắng).

Khởi nghiệp từ 100 đôla Úc

Từ hơn 10 năm trước, Mạnh Thắng đã biết đến nghề spa đồ hiệu từ cửa hàng đầu tiên được mở ở Hà Nội. Khoảng thời gian sau, anh luôn quan tâm và tìm hiểu về công việc này. Thời điểm Covid-19 diễn ra, công việc tại Australia của anh bị đóng băng và ý tưởng bắt đầu spa đồ hiệu nảy ra từ đó. 

3 năm kể từ ngày khởi nghiệp công việc này, Mạnh Thắng hài lòng vì đã nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng là người bản địa tại Sydney và cộng đồng người Việt tại Sydney.

Nhớ lại những ngày đầu tiên học nghề, Thắng từng cảm thấy mất phương hướng khi tốn 2 ngày chỉ đề làm sạch một đôi giày với tiền công khoảng 15 AUD (khoảng 240.000 đồng).

Nói về số vốn bỏ ra để bắt đầu khởi nghiệp, Mạnh Thắng chia sẻ: "Tôi dùng 100 AUD (khoảng 1,5 triệu đồng) để mua vài lọ sơn giày. Một vài đồ cần thiết khác thì tôi đi xin lại để tiết kiệm chi phí. Nói đến đây chắc nhiều người không tin đâu, tôi đã tận dụng một góc nhà cạnh toilet để khởi nghiệp".

Để hạn chế rủi ro, anh lựa chọn khởi nghiệp bằng số vốn ít nhất có thể. Từ tháng thứ hai trở đi, anh bắt đầu có lợi nhuận. Nhớ lại những ngày đầu tiên, Mạnh Thắng khẳng định spa đồ hiệu là công việc có thể bắt đầu dù bạn có số vốn ít ỏi. Điều cần nhất ở công việc này là tính kiên trì, chịu khó học hỏi để nâng cao tay nghề.

"Nhu cầu sử dụng đồ hiệu ngày càng nhiều, đặc biệt là ở nước ngoài. Bạn có thể coi spa đồ hiệu là công việc chính để quyết tâm theo đuổi nếu bạn có đủ đam mê", Mạnh Thắng nói.  

Khởi nghiệp cạnh WC và kết quả sau 3 năm của chàng trai mê vệ sinh đồ hiệu - 2

Spa đồ hiệu là công việc không cần quá nhiều vốn để khởi nghiệp (Ảnh: Mạnh Thắng).

Đam mê là thế, lợi nhuận có từ những ngày đầu tiên nhưng Mạnh Thắng không thể tránh khỏi cảm giác muốn dừng lại công việc này vì nhiều lý do. Anh từng nhiều lần muốn từ bỏ. 

"Hiện tại, công việc này chưa có đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, hầu như phần lớn dựa vào tự tìm tòi và trải nghiệm thực tế", Mạnh Thắng bày tỏ.

Tiền đền bù gấp hàng trăm, hàng nghìn lần tiền công 

Thời gian đầu, anh nhiều lần làm hỏng đồ của khách và phải đền số tiền gấp hàng trăm, hàng nghìn lần tiền dịch vụ. Spa đồ hiệu là công việc đối mặt với rủi ro hàng giờ, hàng phút nên áp lực cao. Bởi rủi ro sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Có nhiều tháng, vì làm hỏng nhiều món đồ, Mạnh Thắng phải chịu số tiền lỗ gấp nhiều lần số tiền nhận được từ dịch vụ. 

Cùng với đó, việc thuê nhân công làm việc ở Sydney không đơn giản bởi chi phí nhân công tương đối cao, số người có kinh nghiệm trong công việc spa đồ hiệu rất hiếm hoi dẫn đến nhiều rủi ro, làm việc không hiệu quả, chất lượng dịch vụ đi xuống, doanh thu sụt giảm không đủ chi trả lương nhân viên.

Nói đến khó khăn của công việc spa đồ hiệu, Mạnh Thắng cho biết đây là công việc có nhiều khó khăn. Đầu tiên là vì không có quy chuẩn cho nghề nên mọi thứ đều dựa vào tìm tòi và trải nghiệm. Thứ hai là muốn trải nghiệm cần có nhiều sản phẩm để thử. 

Mạnh Thắng từng mua khá nhiều món đồ cũ để tự tay thực hành vào thời điểm chưa có nhiều khách hàng. Ngoài ra, spa đồ hiệu là công việc nhiều rủi ro và khi xảy ra rủi ro, chi phí đền bù rất lớn so với giá dịch vụ.

Việc dùng lợi nhuận cả tháng chỉ đủ để đền cho một sản phẩm là điều hoàn toàn bình thường và không hiếm gặp. Hiện tại, doanh thu cửa hàng của Mạnh Thắng khoảng 6.000 AUD (khoảng gần 100 triệu đồng) mỗi tháng. 

Khởi nghiệp cạnh WC và kết quả sau 3 năm của chàng trai mê vệ sinh đồ hiệu - 3

Sản phẩm đồ hiệu sau khi được vệ sinh, làm mới (Ảnh: Mạnh Thắng).

Để đạt hiệu quả tối đa trong việc sử dụng nhân công, anh kết hợp máy móc trong công việc spa đồ hiệu. Áp dụng máy móc giúp việc vệ sinh, sửa chữa đồ hiệu quả, ít gặp rủi ro, tiết kiệm thời gian, nhân sự, tuy nhiên phải là sử dụng máy đúng cách.

Để có thể vận hành trơn tru máy móc trong công việc này đòi hỏi người dùng bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, hiểu về máy và sản phẩm, nếu không, rất dễ xảy ra tình trạng làm hỏng đồ của khách. 

Sau gần 3 năm theo đuổi, Mạnh Thắng cho biết cửa hàng spa đồ hiệu của anh đã ổn định về chất lượng. Từ đó, anh có thể phát triển thêm nhiều mảng gồm cleaning (làm sạch), repair (sửa chữa), plating (xi mạ), custom (can thiệp trực tiếp vào sản phẩm để làm mới một món đồ theo sở thích của khách), bespoke (làm đồ da thủ công theo thiết kế mà khách yêu cầu). Trong đó, dịch vụ then chốt là làm sạch bởi đây là cái gốc để xây nên những dịch vụ đi kèm.  

Bên cạnh hàng loạt khó khăn khi bắt đầu, công việc spa đồ hiệu có những thuận lợi riêng. Theo Mạnh Thắng, vì đây là nghề mới, là thị trường ngách nên những người theo đuổi công việc này có cơ hội lớn trở thành những người đi đầu. Số lượng khách hàng có nhu cầu spa đồ hiệu là rất lớn, như vậy, có thể thấy thị trường rất rộng, đủ để cho mọi người khai thác.

Quan trọng nhất là tình yêu với công việc. Nếu tìm được công việc khiến bản thân say mê, sẵn sàng học hỏi quên ăn, quên ngủ, có thể dồn toàn tâm, toàn sức và toàn thời gian cho nó thì hãy thử. Spa đồ hiệu là công việc xứng đáng để thử và sẽ mang lại thành quả cho những người kiên trì, chăm chỉ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm