Khóc ròng vì cây, trái “độc”

Giá cả đắt khó tưởng, trưng xong không ăn được đã khiến nhiều loại trái cây “độc”, “khủng” trong dịp Tết vừa rồi ế thê thảm.

Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cộng với sự sáng tạo trong việc ghép cây, nắn trái, mấy năm trở lại đây, bà con nông dân ĐBSCL đã cho ra đời nhiều loại trái cây có mẫu mã độc đáo, lạ mắt, phục vụ thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi cùng với sự sáng tạo này là nhiều hệ lụy khó lường.

Bán rẻ như cho

Những ngày trước Tết Ất Mùi, bưởi bàn tay Phật (còn gọi là bưởi Cát Tường) được rao giá hàng triệu đồng một quả. Nhiều người đổ xô lên mạng xã hội để săn lùng loại bưởi “độc” lần đầu tiên tung ra thị trường này.

Tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới biết rõ vụ vừa rồi, loại bưởi mới này khiến nhà vườn thất thu nặng thế nào. Ông Võ Trung Thành - Chủ nhiệm CLB Sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang - cho biết: Những ngày giáp Tết, khi mở khuôn bưởi Cát Tường ra thì nhiều nhà vườn phát hiện 80%-90% trái không đạt yêu cầu do khuôn ăn sâu vào khiến tinh dầu bên trong xì ra làm vỏ thâm đen. Do đó, những trái đạt yêu cầu được bán với giá rất cao, còn trái bị lỗi đành phải đem đi bán rẻ như cho ở các chợ hoa kiểng.

Người dân
bắt đầu quay lưng với dưa hấu “khủng” vì chúng không thể ăn được sau khi trưng Tết.
Người dân bắt đầu quay lưng với dưa hấu “khủng” vì chúng không thể ăn được sau khi trưng Tết.

Trong khi đó, vào trưa 30 Tết, bưởi hồ lô được treo bảng bán 100.000 đồng/3-4 trái khiến không ít người ngỡ ngàng. Trước đó chỉ vài ngày, loại bưởi tạo hình “độc” này được “hét” cả triệu đồng mỗi cặp. Theo ông Thành, do thời tiết năm rồi không thuận lợi nên có đến 80% bưởi hồ lô không đạt yêu cầu. Ngoài ra, nhiều nhà vườn còn “ăn cắp” bản quyền khuôn bưởi hồ lô để tự sản xuất mà không theo bí quyết riêng nên cho ra đời nhiều trái bưởi không đạt chất lượng.

“Ngay bây giờ, CLB của chúng tôi đang gấp rút điều chỉnh lại khuôn bưởi để chuẩn bị cho vụ tạo hình trái cây “độc” tới đây. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các ngành chức năng có biện pháp xử lý mạnh đối với những nhà vườn ăn cắp bản quyền khuôn bưởi hồ lô làm ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm này” - ông Thành khẳng định.

To, đẹp nhưng... không ăn được

Cùng cảnh ngộ như bưởi hồ lô hay Cát Tường, dưa hấu hình xe hơi, hình vuông, hình trái tim... cũng phải bán đổ bán tháo với giá rẻ bèo ở thị trường Tết vừa qua do giá quá cao, trong khi người tiêu dùng đã chán.

Không “hét” giá như bưởi “độc” nhưng đợt Tết vừa qua, dưa hấu An Tiêm (loại dùng để chưng) tồn hàng khá nhiều khiến các thương lái liên tục hạ từ 350.000 đồng xuống 100.000 đồng/cặp, thậm chí 2.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Lý do chính khiến người dân quay lưng với loại dưa này là nó không dùng được sau khi trưng. Có trường hợp mới mùng 1 Tết, quả dưa “khủng” đang trưng trên bàn thờ tổ tiên bất ngờ xì nước. Sau Tết, hàng loạt quả dưa bị người dân vứt đầy ra đường vì chẳng ai dám ăn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết theo nhu cầu, nhiều nông dân đã tạo ra những loại trái dưa to hơn, màu đẹp hơn, thậm chí lạ mắt. Đây là những sáng tạo mang tính tự phát theo nguyên tắc cung - cầu. Để có được những trái to như vậy thì phải tác động về hóa chất như bón nhiều đạm, ghép với gốc bầu... Khi đó, trái dưa sẽ rất to, đẹp nhưng hầu như không dùng được vì không chỉ không ngon mà còn không bảo đảm an toàn.

Nên trả về giá trị thực

Nói về việc một số loại trái cây “độc”, “khủng” bị người tiêu dùng quay lưng trong dịp Tết vừa qua, ông Hòa cho rằng nguyên nhân chính là do tình trạng tăng giá vô tội vạ. “Trái bưởi bình thường có giá vài chục ngàn đồng nhưng khi tạo hình thành trái “độc’ thì người ta “hét” đến vài triệu đồng khiến người mua phải xem xét lại túi tiền của mình. Dù có “độc”, lạ đến đâu thì giá chỉ nên cao hơn khoảng 20% so với trái bình thường mới có thể chấp nhận được, đằng này lại cao gấp trăm lần” - ông lý giải.

Nhận định việc sáng tạo của nông dân là đáng phát huy nhưng để trái cây “độc”, lạ có giá trị bền vững, ông Hòa khuyên bà con phải tính toán lại giá trị thực của chúng. “Đừng nên làm theo kiểu ban đầu giá rất cao nhưng không bán được thì lại hạ ngay xuống. Nếu bà con không nâng giá trị ảo của những loại trái cây “độc” này thì chúng sẽ có chỗ đứng trên thị trường” - ông Hòa nhìn nhận.

Trồng cam được... chanh

Liên quan đến việc ghép cây để tăng năng suất, gần đây, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã khóc ròng sau khi vườn cam của họ chỉ thu được những trái bé như... chanh. Bởi lẽ, để hạn chế các loại sâu bệnh trên cây cam, một số nhà vườn đã ghép cam vào gốc chanh rồi đem ra bán cho những nhà vườn khác mang về trồng. Tuy nhiên, thay vì hướng dẫn bà con phải cắt bỏ những nhánh non đầu tiên để nhánh cam phát triển thì nhiều điểm bán cây đã bỏ mặc khiến người trồng lãnh đủ.

“Phải chi trồng cam mà thu hoạch chanh thật thì cũng tốt vì giá chanh gần đây luôn ở mức cao. Đằng này, quả chanh lai này không sử dụng được vì có vị chanh không ra chanh, cam chẳng ra cam” - anh Trương Hữu Cảnh, một chủ nhà vườn, than thở.

Theo Phạm Công
Người lao động