"Khoản đầu tư tai hại" nào khiến Chứng khoán Tiên Phong lỗ nặng?

Việt Đức

(Dân trí) - Đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết, TPS nếm trái đắng khi thua lỗ nặng trong quý II.

Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán: ORS) vừa công bố kết quả kinh doanh ảm đạm quý II với khoản lỗ hơn 160 tỷ đồng. TPS là một trong những doanh nghiệp thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank. Hiện TPBank sở hữu gần 10% cổ phần TPS, đồng thời Phó chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Anh Tú cũng đang là Chủ tịch HĐQT TPS.

Tương tự một số công ty chứng khoán cũng báo lỗ trong quý II như Rồng Việt (VDSC), SHS, nghiệp vụ khiến TPS thua lỗ là hoạt động tự doanh, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính của TPS, công ty lỗ 250 tỷ đồng từ hoạt động mua bán tài sản tài chính (tự doanh). Trong đó, TPS lỗ 135 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chưa niêm yết. 

Riêng việc mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, khiến TPS lỗ gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, TPS cũng lỗ gần 90 tỷ đồng do hoạt động tự doanh cổ phiếu, riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu SSI khiến công ty lỗ 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, nghiệp vụ môi giới chứng khoán của TPS cũng không có lợi nhuận khi doanh thu đạt 18 tỷ đồng nhưng chi phí lên tới 24 tỷ đồng. 

Hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất cho công ty chứng khoán này là tư vấn tài chính khi thu lãi hơn 160 tỷ đồng. Ngoài ra, nghiệp vụ cho vay (margin) cũng mang về cho TPS gần 50 tỷ đồng. 

Tổng cộng trong quý II vừa qua, tổng doanh thu của TPS đạt hơn 660 tỷ đồng nhưng tổng chi phí hoạt động lên tới gần 700 tỷ đồng. Thêm vào đó, các chi phí trả lãi vay, chi phí vận hành đều tăng lên so với cùng kỳ. Hậu quả là TPS lỗ hơn 160 tỷ đồng trong quý II. Khoản lỗ này khiến TPS tạo kỷ lục buồn khi có quý kinh doanh bết bát nhất từ ngày lên sàn chứng khoán.

Khoản đầu tư tai hại nào khiến Chứng khoán Tiên Phong lỗ nặng? - 1

(Biểu đồ: Việt Đức).

Lũy kế 6 tháng, TPS đạt doanh thu gần 1.500 tỷ đồng và báo lãi 118 tỷ đồng. Năm nay, công ty chứng khoán thuộc TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 500 tỷ đồng. Như vậy, công ty này mới hoàn thành hơn 20% chỉ tiêu sau một nửa thời gian.

Đến hết tháng 6, tổng tài sản của TPS đạt hơn 6.000 tỷ đồng, riêng lượng tiền mặt chiếm hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các tài sản tài chính chỉ còn chưa đến 800 tỷ đồng, giảm gần 60% sau 6 tháng. Giá trị cho vay ký quỹ trên bảng cân đối kế toán của công ty còn gần 1.500 tỷ đồng, không biến động lớn so với hồi đầu năm.

Hiện tại, cổ phiếu ORS của TPS trên sàn được giao dịch ở vùng giá hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của công ty chứng khoán này đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ORS đã giảm hơn 40%.