Khó xử lý nhà bỏ hoang

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào người sở hữu bất động sản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, nhưng theo các chuyên gia, tác động của Luật thuế này với thị trường bất động sản là không nhiều.

Khó xử lý nhà bỏ hoang - 1
Khó hạn chế được tình trạng mua hàng loạt bất động sản sau đó để hoang.
 
Theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Quốc hội khóa XII thông qua, người sở hữu đất phi nông nghiệp phải nộp thuế theo tỷ lệ trên giá đất do UBND tỉnh, thành phố công bố. Theo đó, thuế suất đối với đất ở áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần. Cụ thể, diện tích trong hạn mức có thuế suất 0,03%, phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức có thuế suất 0,07%, phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức có thuế suất 0,15%.   

 

Đất ở nhà nhiều tầng, có nhiều hộ ở, nhà chung cư, công trình xây dựng dưới mặt đất áp dụng mức thuế suất 0,03%. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có mức thuế suất 0,03%. Đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%. Đất lấn chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức.

 

Việc ban hành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được kỳ vọng là sẽ giúp cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường BĐS; chống đầu cơ, thao túng giá cả trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì khả năng điều tiết thị trường bất động sản của Luật này là không nhiều.

 

GS. TSKH Đặng Hùng Võ phân tích, do mức thuế đánh vào việc sở hữu bất động sản quá thấp, nên khó hạn chế được tình trạng mua hàng loạt bất động sản sau đó để hoang, không ở (như đối với các biệt thự tại Hà Nội là 1 ví dụ). Nếu căn cứ theo Biểu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thì toàn bộ số thuế thu được đối với đất phi nông nghiệp là khoảng hơn 438 tỷ đồng/năm (theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội) – một con số vô cùng khiêm tốn nếu so với quy mô và giá trị giao dịch của thị trường bất động sản Việt Nam mỗi năm. Lợi nhuận mà giới đầu tư thu được luôn vượt gấp nhiều lần con số này và đó là lý do chính dẫn đến tình trạng đầu cơ đất tràn lan trong những năm qua.

 

Dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A (Hà Nội - Lạng Sơn), Quốc lộ 2 (Hà Nội - Việt Trì), các trục đường chính dẫn vào TP. Hà Nội, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị mới đang xây thô hoặc đã hoàn thiện. Theo kết quả kiểm tra sơ bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong số 16 dự án tại Hà Nội (một phần nhỏ trong tổng số gần 200 dự án nhà ở, khu đô thị mới tại Hà Nội đã được xây dựng), với 2.684 căn biệt thự, thì chỉ có 1.743 căn được sử dụng, còn 941 căn bỏ hoang. Tỷ lệ biệt thự bỏ hoang tại Hà Nội đến 35% là một con số đáng kinh ngạc khi tấc đất ở Hà Nội được coi là “tấc vàng”!

 

Từ tháng 3/2011, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu một trong số các chủ đầu tư có dự án biệt thự bỏ hoang là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Ba Đình phải có biện pháp yêu cầu khách hàng là chủ nhân của các biệt thự bỏ hoang phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Thành phố thậm chí còn yêu cầu chủ đầu tư phải mua lại các biệt thự nếu người mua không sử dụng, song đây dường như lại tiếp tục là một biện pháp bất khả thi nếu người mua không muốn bán hoặc rao bán với giá “trên trời”! Việc hoàn thiện các biệt thự hầu như cũng chỉ mang tính đối phó.

 

Ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) kiến nghị, ngoài việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cơ quan chức năng cần có thêm chế tài buộc người chủ sở hữu nhà phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng và  xử phạt nghiêm nếu họ không chấp hành.

 

Theo Hà Quang

Báo Đầu tư