1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khó vay vốn, vấn đề ta thán muôn thuở doanh nghiệp nhỏ và vừa

Việt Đức

(Dân trí) - Khó vay vốn ngân hàng tiếp tục là vấn đề nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh với cơ quan quản lý.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), tiếp cận vốn ngân hàng là vấn đề khó khăn nhất khi hoạt động. Nhận định trên một lần nữa được nhắc lại tại buổi làm việc của đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội về việc thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiều qua (21/9).

Đại diện Phòng Kinh tế Thành phố Thủ Đức cho biết qua nhiều hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, việc khó vay vốn ngân hàng luôn là vấn đề chủ yếu được phản ánh. Ngân hàng cần tài sản thế chấp mới giải ngân trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không có.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết với chính sách cấp bù lãi suất hiện nay, các tiêu chí để doanh nghiệp được hỗ trợ chưa thật sự rõ ràng. Do đó, các ngân hàng cũng ngần ngại nếu sau này khi bị kiểm tra, doanh nghiệp đã được hỗ trợ lãi suất nhưng lại không đáp ứng tiêu chí, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cấp bù lãi suất và phía nhà băng chịu thiệt hại.

Ông Tống cho biết thực trạng chung là muốn vay tín chấp rất khó trong khi nhiều doanh nghiệp lại không có tài sản thế chấp. Hiện nay đã có quy định về bảo lãnh tín dụng nhưng trên thực tế không phát huy hiệu quả vì vẫn phải có tài sản đảm bảo, ngân hàng mới nhận bảo lãnh.

Cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn về vốn. Chủ tịch SmartPay Marek Forysiak chia sẻ với Dân trí hiện tại các nhà bán hàng nhỏ và vừa ở Việt Nam đang chiếm khoảng 50% tổng doanh số thị trường bán lẻ có quy mô khoảng 210 tỷ USD theo số liệu năm 2021. Như vậy, phân khúc này đang có doanh thu khoảng hơn 100 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.

Khó vay vốn, vấn đề ta thán muôn thuở doanh nghiệp nhỏ và vừa - 1

Khó tiếp cận vốn ngân hàng là vấn đề cố hữu với doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, theo ông Forysiak, các ngân hàng trước đây chưa quan tâm đúng mức đến nhóm khách hàng này. Hiện tại, dù ngân hàng đã dành nhiều sự chú ý hơn nhưng việc phục vụ các tiểu thương, chủ cửa hàng hay doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn do ngân hàng có rất nhiều nhóm khách hàng và phải phân tán nguồn lực. Thêm vào đó, chi phí của ngân hàng rất lớn trong khi doanh thu, dòng tiền từ nhóm khách hàng tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ lại thấp, có thể thu không đủ bù chi.

Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành năm 2017, thể hiện đường lối xác định tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp này. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Thông tư 06 hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện luật nói trên.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, một điểm thiếu sót là đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến luật nói trên. Khi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn, các ngân hàng thương mại tất yếu cũng có những lúng túng nếu muốn triển khai chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì nguy cơ mất vốn.

Do đó, sắp tới, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ra văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo luật đã ban hành.

Ông Nghĩa cũng cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có nhiều tài sản thế chấp như doanh nghiệp lớn. Do đó, cần phát huy vai trò của những cơ chế như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm