1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Đói" vốn làm ăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ xoay sở kiểu gì?

Đại Việt

(Dân trí) - Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần những nguồn vốn nhỏ, ngắn hạn. Trong khi thủ tục vay tại các ngân hàng lại rất phức tạp, cần tài sản thế chấp, thời hạn giải ngân kéo dài.

Đói vốn làm ăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ xoay sở kiểu gì? - 1

Hội thảo diễn ra tại TPHCM thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và các chuyên gia ngành tài chính. Ảnh: Đại Việt

Tại Hội thảo Tài trợ tín chấp chuỗi cung ứng SME của đối tác doanh nghiệp lớn, các chuyên gia cho rằng, việc giải quyết nhu cầu thiếu hụt vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là vấn đề rất cấp bách.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp SME tại Việt Nam đang bị thiếu hụt nguồn vốn khoảng 21 tỷ USD. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, sản xuất, thương mại bán buôn, xây dựng và dược phẩm.

Bà Trần Thị Thúy Hà, đại diện Validus Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Ngân hàng UOB thì Việt Nam đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 76% số doanh nghiệp này có nhu cầu vay vốn đến 21 tỷ USD.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng góp 48% GDP tức khoảng 108 tỷ USD và mang lại 77% công việc làm cho người dân.

"98% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng thủ tục vay vốn rất phức tạp, yêu cầu nhiều giấy tờ và thời gian phê duyệt kéo dài", bà Hà nói.

Theo bà Hà, việc yêu cầu tài sản đảm bảo từ quy trình thẩm định rủi ro truyền thống cũng không phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ít hơn, ngắn hạn hơn khoản vay cung cấp của ngân hàng truyền thống.

"Chính vì vậy mà các nền tảng hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đã giải quyết thủ tục vay vốn cho các doanh nghiệp nhanh chóng hơn và thời gian phê duyệt chỉ mất khoảng 2 ngày", bà Hà nói.

Đói vốn làm ăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ xoay sở kiểu gì? - 2

Bà Trần Thị Thúy Hà chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo bà Hà, quy trình thẩm định với thuật toán dựa trên dòng tiền và nhiều yếu tố khác sẽ giúp doanh nghiệp được vay theo hình thức tín chấp. Doanh nghiệp có thể vay bất cứ khi nào mình cần.

Bà Hà chia sẻ, hiện nay, việc tài trợ hóa đơn cũng đang mở ra nguồn vốn giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tái đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ của mình để tăng trưởng kinh doanh.

Cụ thể, bên bán (nhà cung ứng) gửi cho bên mua hóa đơn hàng hóa, dịch vụ của mình. Sau đó, bên bán gửi hóa đơn đã được xác nhận cho đơn vị hỗ trợ tài chính. Sau đó, đơn vị hỗ trợ tài chính sẽ giải ngân 80% tiền hóa đơn cho bên bán.

Khi bên mua thanh toán hóa đơn cho đơn vị hỗ trợ tài chính, đơn vị này sẽ gửi cho bên bán số tiền còn lại (trừ lãi suất hơn 1%/tháng).

Việc tài trợ hóa đơn được cho là "phao cứu sinh" của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi, hiện nay, các nhà cung ứng cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn bán lẻ lớn thường phải chờ từ 45 - 60 ngày mới được thanh toán công nợ. Điều này phần nào gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn tiền mặt để duy trì việc sản xuất hàng hóa.

Đói vốn làm ăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ xoay sở kiểu gì? - 3

Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần vốn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Đ.V

Ông JinChang Lai - đại diện Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC, nhóm Ngân hàng thế giới) - cho rằng: Tài trợ cho chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

"Tài trợ chuỗi cung ứng là một hệ thống sản phẩm tài chính dựa trên các khoản phải thu, hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh và các mối liên kết dành cho các thành viên trong chuỗi để giúp họ có thể tối ưu hóa nguồn vốn lưu động và quản lý tính thanh khoản", ông JinChang Lai nói.

Theo các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận với các gói vay ưu đãi của Chính phủ. Việc vay vốn tại các ngân hàng cũng phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp. Những lý do này đã dẫn tới sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nền tảng hỗ trợ tài chính dù lãi suất có thể cao hơn.

Tại hội thảo, đại diện các nhà cung ứng cũng thừa nhận, việc tài trợ cho các nhà cung ứng đã giúp các doanh nghiệp xoay vòng được dòng tiền mặt để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Điều này cũng góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho các "ông lớn" trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm