Khổ sở vì... giá lúa

(Dân trí) - Sau quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ được thông qua, giá lúa các loại tăng nhẹ, tuy nhiên theo nhiều nông dân ở ĐBSCL cho biết giá lúa chỉ tăng được vài ngày thì sau đó đứng lại và bắt đầu giảm liên tục từ 21/3 đến nay.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Trao đổi vơi PV Dân trí nông dân Võ Văn Trội - ấp Bình Hoà, xã Bình Thành, H. Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết: “Làm lúa ở những vùng sâu, đất manh (diện tích đất nhỏ) như bà con chúng tôi ở đây khổ lắm. Đường bộ, đường thuỷ để thương lái vào mua lúa không thuận lợi, vì thế việc bán lúa hầu như trông cậy vào “ông cò lúa” nên giá có xê dịch 50 -100 đồng thì dân cũng bán ngay, vì trữ lại sau này không có ai mua.”

Liên quan đến vấn đế giá lúa, ông Trội cho biết, càng nghe báo đài thông tin về giá cả càng rối hơn, mấy hôm trước nghe giá tăng, vài ngày sau giá lúa giảm,…Theo dõi giá lúa riết còn mệt hơn làm ra hạt lúa. Bởi vậy, đa số bà con mong muốn với từng loại giống lúa, nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng giá sàn gì đó, để không còn cảnh “thấp thỏm” theo dõi giá lúa lên xuống từng ngày.

Nhiều nông dân cho rằng việc theo dõi giá lúa còn mệt hơn làm ra hạt lúa

Nhiều nông dân cho rằng việc theo dõi giá lúa còn "mệt" hơn làm ra hạt lúa

Ông Nguyễn Văn Học – ấp Thới Hiệp B, xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: “Con tôi đã bán lúa cả tuần nay, cũng may nó nghe lời tôi bán ngay chứ trữ lại chờ giá lúa lên gặp cảnh giá lúa tuột dốc như bây giờ còn khổ hơn. Và tôi để ý một hai năm nay, giá lúa không ổn định vì thế nông dân mình tính toán giảm bớt chi phí đầu vào và thấy giá lúa có lời là nên bán ngay đừng tham thêm 100 -200 đồng/kg rồi kêu ca làm nhà nước đau đầu, còn nước bạn có cơ hội ém giá lúa nhà để mua gạo thấp.”

Gặp thương lái Lê Văn Nhỏ - ở Thới Lai có hơn 15 năm kinh nghiệm mua lúa ngao ngán cho biết, chưa có năm nào mua bán vất vả như năm nay. Như thời điểm trước khi Chính phủ thu mua tạm trữ đã lỗ một phen hơn 30 triệu đồng. Đến ngày 15/3 Chính phủ quyết định thu mua 1 triệu tấn gạo, định gỡ lại chút đỉnh ôm vô cả trăm tấn lúa cũng may xả được hơn 1 nửa chứ nếu không giá lúa giảm đột ngột thế này thì có nước... cắn lưỡi.




Riêng thương lái Trần Văn Hiệp - ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết: “Tôi đã đi mua lúa hơn 20 năm qua và chưa một tỉnh nào ở ĐBSCL mà tôi chưa đến và tôi thấy chưa có năm nào mua bán khổ như năm nay. Giá lúa lên xuống thất thường, một mặt thương lái chúng tôi bị lỗ, mặt khác còn bị mang tiếng với nông dân, như: “bỏ mặt nông dân”, “ép giá”,… Nói về việc bỏ mặt nông dân là có, vì thường thương lái chúng tôi đặt cọc khoảng 100 -200 đồng/kg lúa cho nông dân nếu giá giảm trong khoảng này, chúng tôi sẵn sàng đến mua để giữ chữ tín, còn giảm hơn nữa thì đành bỏ cọc, chứ mua vào lỗ còn nặng hơn. Còn việc ép “giá nông dân” thì chúng tôi không dại, vì nếu chúng tôi thấy có lời 50 đồng/kg là đã mua, vì 20 tấn lúa cũng kiếm 1 triệu đồng rồi.”

Nhiều nông dân cho rằng việc theo dõi giá lúa còn mệt hơn làm ra hạt lúa

Thương lái Trần Văn Hiệp cho biết giá lúa lên xuống thất thường làm nông dân và thương lái chúng tôi đều khổ như nhau
 
Đặc biệt nói về chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ, thương lái Hiệp khẳng định, đây là việc làm thể hiện nhà nước lo cho nông dân nhưng xem ra hiệu quả từ chương trình này là chưa sát với người dân, trái lại nhà nước tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc này.
 
"Bởi thế, theo tôi nếu được Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân, bằng cách hỗ trợ 50.000 hay 100.000,… một số tiền cụ thể mà nhà nước tính toán rồi hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trên một công ruộng; Rồi nhà nước lo đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp, nông dân,… Còn các doanh nghiệp là những đơn vị có đầy đủ điều kiện để “tự bơi” khi tham gia kinh doanh ngành hàng này; khi thị trường khó khăn buộc họ phải biết “liệu cơm gắp mắm”, đừng chạy theo “chương trình” ký bao tiêu lúa cả 1.000 ha rồi bỏ nông dân phút chót làm cho thị trường lúa, gạo thêm rối bời", anh Hiệp chia sẻ.

 

Liên quan đến việc thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dung, ông Phan Kim Sa – Phó Giám độc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong vụ đông xuân này Đồng Tháp có 11 doanh nghiệp tham gia với chỉ tiêu được giao 85.000 tấn gạo và các doanh nghiệp bắt đầu thu mua từ ngày 20/3. Ngay sau đó, các doanh nghiệp chủ động liên hệ với ngân hàng để được giai ngân và đang thu mua lúa đúng theo tiến độ. Tuy nhiên cũng có một doanh nghiệp vì chưa thống nhất đồ thuần của giống lúa trên đồng ruộng của 210 hộ dân ở huyện Tân Hồng nên chưa mua lúa. Điều này làm khó cho nông dân và ảnh hưởng ít nhiều đến “cánh đồng liên kết” của Đồng Tháp.

 

Nguyễn Hành
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước