Khó như đi mua… USD chợ đen

(Dân trí) - Từ sau khi cơ quan chức năng bắt quả tang vụ mua bán trái phép gần 400.000 USD, thị trường ngoại tệ chợ đen tại Hà Nội chính thức ngừng giao dịch. Đến cửa hàng nào cũng chỉ nhận được cái lắc đầu “không giao dịch” hoặc gợi ý “đến bank mà mua”…

Khó như đi mua… USD chợ đen - 1
Thị trường USD chợ đen trước thời điểm thanh kiểm tra.

“Chúng tôi chỉ bán vàng”

Lúc 17h30 ngày 10/3, lượn một vòng quanh phố Hà Trung - con phố được mệnh danh là phố ngoại tệ của Hà Nội - các cửa hàng thu đổi ngoại tệ vẫn sáng đèn nhưng vắng bóng khách hàng đến giao dịch.

Tại cửa hàng số 39 Hà Trung, khi được hỏi “ có bán USD không anh?”, nhân viên cho biết: “Chúng tôi không buôn bán ngoại tệ nữa, giờ chỉ buôn vàng thôi”.

Trong vai khách hàng cần gấp một lượng USD để trả nợ tiền nhà, nhân viên của hàng Thịnh Quang (Hà Trung) gợi ý: “Chị đến bank mà mua, chúng tôi không có để bán đâu. Còn nếu không mua được thì trả tiền Việt cho người ta, trả thêm một vài giá là được thôi”.

Gần đó, cửa hàng Quốc Trinh (một trong những địa điểm thu đổi ngoại tệ lớn, có tiếng ở Hà Nội) cửa đóng then cài. Chạy qua cửa hàng bên cạnh, khi thấy chúng tôi thiết tha với việc mua USD để người nhà ra nước ngoài chữa bệnh, nhân viên này nói: “Chị không thể mua được ngoại tệ thời gian này đâu, nhất là khi chị không thân quen với các cửa hàng. Chả ai dám công khai giao dịch ngoại tệ cả, bởi chúng em rất sợ cơ quan chức năng đóng giả người dân đến giao dịch, vừa mất tiền lại vừa bị xử lý hình sự. Chị thử hỏi vay tạm người thân, bạn bè rồi mua trả lại sau”.

Sáng nay 11/3, thị trường ngoại tệ tự do tại Hà Nội vẫn ngừng giao dịch. Điện thoại đến cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu (Trần Nhân Tông), nhân viên cửa hàng cho biết: “Chúng em ngừng giao dịch USD từ mấy ngày nay và không biết khi nào mở cửa trở lại”.

Theo chị Thanh Hoa, một người dân chuyên đầu cơ ngoại tệ tại Hai Bà Trưng (Hà Nội): “Thời điểm này vẫn có thể mua hoặc bán USD, Euro, nếu khách hàng là bạn làm ăn lâu năm với các điểm thu đổi ngoại tệ. Họ không dại gì công khai buôn bán với người lạ, dù mục đích mua là gì đi nữa, để tránh dính dáng tới cơ quan chức năng. Nếu là khách hàng quen biết, các điểm thu đổi ngoại tệ có thể mang hàng tới tận nhà cho khách”.

Tỷ giá có thể ổn định thời gian tới

Theo giới chuyên gia, việc hàng loạt điểm thu đổi ngoại tệ đóng cửa ngừng giao dịch là phản ứng nhất thời trước thông tin thanh kiểm tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số điểm được phép thu đổi ngoại tệ lo ngại có thể bị phát hiện với việc buôn bán tỷ giá không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nên cũng ngừng giao dịch.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định: “Tỷ giá VND/USD có thể ổn định được trong thời gian tới; với điều kiện chúng ta phải tập trung được nguồn ngoại tệ trong nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng, kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng ngoại tệ dưới 20% và tạo dựng được niềm tin trong dân chúng”.

Để thực hiện được các vấn đề mấu chốt trên, theo kiến nghị từ BIDV, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thực hiện thắt chặt chính sách mua bán ngoại tệ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước , yêu cầu họ bán lại ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu.

Chính sách mua bán ngoại tệ của NHNN cần tạo được sự đồng thuận và được thực hiện nhất quán để tạo niềm tin cho các đối tượng tham gia. NHNN cần thể hiện rõ vai trò điều tiết, là người mua - bán cuối cùng đối với các nguồn thu và nhu cầu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; xem xét niêm yết giá mua bán theo cơ chế một giá hoặc chênh lệch giá ở mức thấp tránh gây ra những thiệt hại kinh tế cho các tổ chức khi tham gia mua bán nhằm ổn định thị trường trong gian đoạn hiện nay. Có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN sớm xác định mức trần lãi suất huy động ngoại tệ đối với doanh nghiệp và cư dân xuống chỉ còn 0 - 1%/năm để nới rộng chênh lệch lãi suất huy động USD, VND, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ cũng như giảm áp lực tăng lãi suất đồng nội tệ.

NHNN xem xét điều chỉnh quy định về trạng thái ngoại tệ được phép nắm giữ của các ngân hàng từ mức 30%/vốn tự có xuống 15 - 20%/vốn tự có để hạn chế việc các ngân hàng có hoạt động kinh doanh vàng mua gom tích trữ, găm giữ ngoại tệ phục vụ nhập khẩu vàng…

An Hạ